Theo thông tin từ mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet), dẫn báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an cho thấy, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến ngày càng nghiêm trọng.
Thống kê cho biết, từ năm 2010 đến năm 2013, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ lên đến 1.544 vụ vào năm 2014. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 em bị xâm hại tình dục, tức 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một đứa trẻ bị xâm hại tình dục. Có nạn nhân bị giết chết để bịt đầu mối, bị đe doạ để không dám tố cáo.
Nhiều vụ xâm hại tình dục chưa được xử lý thỏa đáng, trong khi nhiều phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị xâm hại lại bị đổ lỗi là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực hay bị quy trách nhiệm phải tự bảo vệ mình.
Vụ cháu bé 8 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị xâm hại nhiều lần bởi một người đàn ông 34 tuổi là một điển hình. Hai tháng trôi qua, gia đình đã tố cáo với cơ quan pháp luật nhưng kẻ thủ ác vẫn không bị xử lý còn ngang nhiên thách thức dư luận.
Để những kẻ ác bị pháp luật chừng trị thích đáng không gây hại cho những trường hợp tiếp theo, khi phát hiện con bị lạm dụng tình dục, phụ huynh cũng không nên vì danh dự của gia đình mà giấu nhẹm, cho qua mọi chuyện hay chấp nhận nhận tiền bồi thường để mua lấy sự im lặng, thay vào đó là đến trình báo cơ quan chức năng về sự việc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi trẻ bị xâm hại tình dục, thời gian 24 giờ đầu tiên được coi là “thời gian vàng” để giải quyết mọi vấn đề, trong đó có vấn đề tâm lý và chứng cứ tố cáo. Nếu trong khoảng thời gian đó, phụ huynh can thiệp sai thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý trẻ.
Việc phát hiện trẻ bị xâm hại càng sớm, thì có càng nhiều cơ hội và căn cứ pháp lý để đưa “kẻ ác thú” ra ánh sáng. Bởi, sau 24 giờ những bằng chứng nơi xảy ra sự việc sẽ bị nghi phạm xóa dấu vết, thậm chí là những vết tích trên người trẻ cũng không còn.
Theo Luật sư Lê Văn Luân (Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long), cho biết, "để khởi tố vụ án dâm ô trẻ em hay bất cứ tội nào về xâm hại tình dục trẻ em là rất khó bởi đòi hỏi phải có đầy đủ cơ sở pháp lý, các chứng cứ”.
Cơ quan điều tra phải dựa vào những chứng cứ vật chất thu giữ được tại hiện trường như quần áo, mẫu vật ADN, chứng minh gây tổn thương bộ phận sinh dục, tổn thương trên người… để có cơ sở xác định đối tượng đã có hành vi dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em.
Tuy nhiên, rất nhiều vụ án buộc phải đình chỉ, không khởi tố vì chứng cứ vật chất quá “yếu”. Trong trường hợp sự xâm hại không để lại hậu quả, chưa giao cấu được thì càng khó xử lý
Nhiều gia đình do nghi ngại, xấu hổ không trình báo ngay sau khi sự việc xảy ra. Sau thời gian dài (nhiều tuần, nhiều tháng) họ mới có đơn tố cáo nhưng khi đó các chứng cứ tại hiện trường không còn, tổn thương của cháu bé cũng bị xáo trộn. Từ đó, việc thu thập các mẫu vật của các cơ quan điều tra trong trường hợp này cũng rất khó.
"Một khi chứng cứ vật chất “yếu” khó có thể khởi tố. Cơ quan điều tra phải căn cứ vào những chứng cứ thu giữ tại hiện trường để chứng minh hành vi phạm tội chứ không thể vì áp lực dư luận mà vội vã xử lý vụ việc", luật sư Luân khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, theo Chuyên gia tâm lý Dương Thị Quỳnh Hoa cho rằng, khi phát hiện con có những biểu hiện bất thường như sợ sệt, ngại ngùng, khóc lóc, sợ hãi, hoảng hốt… cần nhẹ nhàng trò chuyện. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần kiểm tra bộ phận sinh dục của con, nếu phát hiện vết xước, sưng tấy, bầm tím thì cần hỏi nguyên nhân. Tất cả hành động với con cần nhẹ nhàng, từ tốn, tạo sự tin tưởng để trẻ kể lại sự việc. Đặc biệt, phụ huynh không nên nóng giận, chửi bới, đánh đập càng khiến trẻ thêm lo sợ, tổn thương.
Nếu phát hiện con bị XHTD, trước hết phụ huynh cần lấy lại bình tĩnh để xử lý sự việc. Bậc làm cha mẹ không nên chửi bới, tìm cách trả thù với đối tượng gây ra sự việc. Bởi như vậy sẽ làm mất trật tự, nhiều người biết đến sự việc, ảnh hưởng xấu đến danh dự của trẻ. Tốt nhất là giữ kín mọi chuyện với người ngoài. Phụ huynh cũng không nên vì danh dự của gia đình mà giấu nhẹm mọi chuyện hay xuề xòa cho qua, chấp nhận nhận tiền bồi thường để mua lấy sự im lặng.
Khi phát hiện sự việc, phụ huynh cần giữ lại các vật chứng như áo quần, đồ vật con đang sử dụng lúc bị XHTD. Riêng áo quần các cháu mặc lúc bị hại không nên giặt. Bởi đây là vật có thể còn lưu lại các chứng cứ quan trọng như lông, tóc, tinh trùng… của đối tượng khi gây án.
Trong quá trình trao đổi với con về việc bị XHTD, phụ huynh có thể ghi âm lại để làm chứng cứ, cung cấp cho cơ quan chức năng. Sau đó, phụ huynh nên trình báo sự việc đến cơ quan công an gần nhất. Trong quá trình đi trình báo cần mang theo giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, vật chứng như áo quần, băng ghi âm, hình ảnh đối tượng… Cha mẹ chính là người giám hộ cho con tại cơ quan công an. Tất cả những việc này cần làm kín đáo tránh ảnh hưởng đến danh dự của trẻ.
Ngoài ra, để xác định tính xác thực của việc trẻ bị XHTD, phụ huynh cần đưa con đến trung tâm y tế để khám xét tổn thương sản khoa, ghi nhận các dấu vết, thương tích trên cơ thể. Bậc cha mẹ cũng nên đề nghị khám kĩ cơ quan sinh dục để có hướng điều trị phù hợp. “Sau khi trẻ bị XHTD, điều trọng là tạo sự an tâm cho trẻ và bậc cha mẹ đóng vai trò quan trọng nhất khi thực hiện điều này”, bà Hoa nói
Tác giả: Vũ Thêm
-
Bóc trần sự thật “con ông cháu cha” kẻ nghi dâm ô cháu bé 8 tuổi ở Hoàng Mai
-
Điểm tin mới 15/3: Bé gái 4 tuổi bị người đàn ông 50 tuổi xâm hại tại Phú Thọ
-
Nghi bé gái 8 tuổi bị hàng xóm xâm hại ở Hà Nội: Mẹ đau xót day dứt nhìn con vật vã, mê sảng
-
Nghi án bé gái lớp 1 bị xâm hại tại trường: Lý do bất ngờ khiến camera bị mất dữ liệu hơn 1 tiếng
-
Công an công bố kết quả giám định vụ bé gái lớp 1 tố bị xâm hại ở Thủ Đức