Ông Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1966, quê xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) là xuất thân từ một doanh nhân. Ông tốt nghiệp Đại học Kiến trúc năm 1990, sau đó sang Đông Âu làm ăn. Năm 1995 về nước và từ năm 1996 đến năm 2000, ông làm Phó Giám đốc Công ty Detesco của Trung ương Đoàn.
Những năm 2000-2004, ông Thanh làm Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Tổng Công ty Sông Hồng, Việt Trì, Phú Thọ.
Từ năm 2005 – 2007, ông làm Phó Tổng rồi Tổng giám đốc của Tổng Công ty Sông Hồng.
Từ cuối năm 2007 ông Thanh chuyển về làm Phó Tổng giám đốc rồi sau đó là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
Đến tháng 7/2013, ông được bổ nhiệm làm trưởng đại diện văn phòng miền Trung của Bộ Công thương ở Đà Nẵng.
Đến tháng 5/2016, ông Trịnh Xuân Thanh được bầu vào vị trí Phó Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhiệm kỳ 2011-2016, và đảm nhiệm chức vụ đó đến nay.
Tối 16/9, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh. Những vụ việc liên quan đến ông này bắt đầu được dư luận chú ý khi báo chí đưa tin về chiếc lexus tư nhân gắn biển xanh chạy trên đường phố Hậu Giang.
Đầu tháng 6/2016, báo chí đưa tin về việc ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, sử dụng xe cá nhân Lexus gắn biển số xanh .
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang giải thích do địa phương thiếu xe nên ông Thanh mượn chiếc xe hơn 5 tỷ này đưa vào Hậu Giang để tiện công tác. Phòng cảnh sát giao thông (PC67) Công an Hậu Giang cấp biển số xanh 95A-0699 cho xe tư nhân nhằm phục vụ việc đi lại của ông Thanh.
Vào cuộc làm rõ vụ việc, cơ quan chức năng xác định, ông Trịnh Xuân Thanh thời điểm đó không thuộc diện được xe biển xanh đưa đón. Lúc này, Tỉnh ủy Hậu Giang thừa nhận việc cấp biển xanh cho xe Lexus LX570 là sai.
Ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn truyền đạt ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giao 9 cơ quan kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung bài báo liên quan đến Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.
Có 3 vấn đề được báo chí đề cập: Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh được đưa đón bằng chiếc Lexus LX570 là xe tư, nhưng gắn biển xanh; tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty PVC, nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013 và dù lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng ông Thanh vẫn được bổ nhiệm Phó chủ tịch tỉnh.
Ngày 15/7, Hội đồng bầu cử quốc gia không công nhận tư cách Đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 18/7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo các đơn vị điều tra việc để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013) ở PVC.
Tại kỳ họp lần thứ VI từ ngày 6/9 đến ngày 8/9, Ủy ban kiểm tra Trung ương Trung ương đã đề nghị Ban bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh , Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vì nhận thấy những khuyết điểm, vi phạm của ông Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Sau đó, Ban bí thư biểu quyết bằng phiếu kín, với 100% phiếu đồng ý kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự với ông Trịnh Xuân Thanh.
Xác định bị can đã bỏ trốn, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với ông này.
Hơn một tháng qua, ông Thanh xin nghỉ phép ra nước ngoài để trị bệnh gout. Hết phép, ông không trở lại nhiệm sở, số điện thoại thường dùng mất liên lạc. Tỉnh uỷ Hậu Giang, nơi ông Thanh làm việc, không biết ông ở đâu. Ông Trịnh Xuân Thanh được cho là rời khỏi Việt Nam khoảng cuối tháng 7. Khi đó ông đã gửi đơn đến tỉnh uỷ Hậu Giang xin nghỉ phép từ 25 đến 29/7. Ngày 19/8, ông Thanh gửi đơn lần 2 xin nghỉ một tháng (3/8-2/9) để đi nước ngoài trị bệnh và không rõ tung tích từ đó.
Tác giả: Vân Tiên