*Cho trẻ ăn mắt cá diếc
Lúc con em tròn 100 ngày tuổi, mẹ em đi chợ mua mấy con cá diếc về. Mẹ chỉ chọn 1 con đẹp nhất, còn sống rồi hấp chín, lấy đũa gỡ mắt cá ra, bỏ cục tròn cứng màu trắng đi rồi cho cháu ăn phần mắt mềm mềm còn lại. Con em thấy vị lạ lạ nên mút mút chu mỏ nhìn buồn cười lắm. Các mẹ chỉ cho ăn một xíu xiu phần mắt thôi chứ đừng cho phần thịt nha, vì bé còn nhỏ chưa ăn uống gì được đâu. Mẹ bảo con nít cho ăn mắt cá diếc để sau này bé ăn dặm sẽ không bị nôn trớ, mắt lại sáng khỏe.
Nhiều người giải thích là trong mắt cá diếc có chứa nhiều dưỡng chất, đặc biệt là vị hơi tanh. Nếu còn bé cho bé nhấm thử vị đó mà bé ăn được thì lớn lên con sẽ ăn rất ngoan, không bị ói, mắt lại sáng hơn vì nhiều chất dinh dưỡng, “ăn mắt bổ mắt”.
Dùng con tằm chết trị trẻ khóc dạ đề
Nhiều bé trong tháng rất dễ, bú ngoan ngủ ngoan nhưng sau khi ra tháng thì rất khó, hay khóc đêm. Nếu mẹ nào quê có nuôi tằm thì có thể lấy xác con tằm chết cong queo, màu tắng, hơi lốm đốm, đem sấy khô cất vào lọ kín. Dân gian gọi đó là “tằm vôi”, “bạch cương tàm”, “cương trùng”, “thiên trùng”… đấy ạ. Khi nào con khóc mãi không nín, mẹ lấy tằm giã nát, hòa chút rượu, hơ ấm rồi đắp vô lòng bàn chân con, băng cố định lại.
Ngoài ra, còn một số mẹo hay nữa như: khi trẻ bị trớ, mẹ tìm đọt tre (cái lá non nhọn hoắt ở đầu túm lá tre ấy) đun nước cho bé uống (con trai lấy 7 đọt, con gái lấy 9 đọt). Trước khi cho bé ăn dặm, các mẹ luộc cà rốt rồi cho bé uống xíu nước luộc đó để tráng ruột, chắc chắn bé sẽ ít đi ngoài hơn hẳn. Khi con bị tiêu chảy, phân xì xoẹt, mẹ cũng có thể áp dụng bài thuốc này sẽ đỡ ngay. Chúc các mẹ áp dụng mẹo đúng cách và thành công, nuôi con khỏe mạnh, nhàn tênh nha!
Tưa lá hẹ đúng 100 ngày tuổi, con không còn sốt khi mọc răng
Trong rất nhiều các diễn đàn của mẹ bỉm sữa từ lâu đã có trào lưu tưa nước lá hẹ vào lợi sẽ giúp bé không bị sốt khi mọc răng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng còn là nỗi băn khoăn của các mẹ bỉm sữa.
Cụ thể, cách làm được một bà mẹ có tài khoản N.H chia sẻ như sau: Canh đúng lúc bé được tròn 100 ngày tuổi (nhiều mẹ Việt thường tâm niệm là 3 tháng 10 ngày) để thực hiện. Giã dập 1 nắm lá hẹ tươi vắt lấy nước cốt, hòa thêm 1 ít nước đun sôi để nguội cho bớt mùi hăng rồi dùng băng gạc quấn quanh ngón tay chấm nước hẹ rơ lưỡi, miệng, nướu con thật kỹ. Chính nhờ biện pháp này mà khi bé nhà chị N.H mọc chiếc răng đầu tiên ở 6,5 tháng tuổi đã không còn bị sốt. Thậm chí đến giờ có 3 chiếc răng xinh xắn vẫn khỏe mạnh bình thường.
Lựa người nuôi trẻ mát tay nhờ họ đút con ăn lần đầu tiên
Mẹ em năm nay bốn mấy gần năm mươi tuổi rồi, có kinh nghiệm chăm em bé lắm nha, mà mát tay hay sao ý, nuôi mấy đứa cháu con chị, đứa nào cũng bụ bẫm khỏe mạnh. Vì vậy mà hồi con tròn 3 tháng 10 ngày. Mẹ từ ngoài quê đón xe vô thành phố cho con em ăn cữ bột đầu tiên. Đúng ra 6 tháng con mới ăn dặm lận, còn lúc này gọi là cữ bột đầu tiên nhưng thực ra chỉ là “làm phép” thôi. Mẹ bảo em pha một bát bột thật loãng, múc một thìa xíu xiu bột và đút cho bé nhấm nháp thử thôi cho có lệ chứ không phải cho ăn như bình thường. Vì lần đầu tiên nên bé có vẻ rất thích thú, mút miệng chụt chụt.
Dân gian quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt”, nếu lần đầu con hào hứng với đồ ăn thì sau này sẽ ăn ngoan và ngược lại. Em thấy mẹo này cũng khá hay nên bày cho các mẹ, ai thích có thể áp dụng, nhớ là cho con nhấm một xíu thôi chứ hệ tiêu hóa con yếu lắm, chưa tiêu hóa đồ ăn nổi đâu, mẹ thấy con thích nên cho ăn nhiều là hại con đó.
Thi thoảng, mẹ ăn cũng giả vờ đưa thìa, đũa vào miệng con như cho con ăn vậy để sau này con ăn dặm sẽ dễ hơn, các cụ nói là “nhanh biết ăn” đấy ạ.
*Thông tin theo kinh nghiệm dân gian
Tác giả: