Mức đóng BHYT theo hộ gia đình thay đổi ra sao?
Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình phải đóng với bảo hiểm y tế theo mức sau: Người thứ nhất 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai 70% mức đóng của người thứ nhất (3,15% mức lương cơ sở); người thứ ba 60% mức đóng của người thứ nhất (2,7% mức lương cơ sở); người thứ tư 50% mức đóng của người thứ nhất (2,25% mức lương cơ sở) và người thứ năm trở đi 40% mức đóng của người thứ nhất (1,8% mức lương cơ sở).
Khi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình như sau: Người thứ nhất tăng từ 67.050 đồng/tháng lên thành 81.000 đồng/tháng. Người thứ hai tăng từ 46.935 đồng lên 56.700 đồng. Người thứ ba tăng từ 40.230 đồng lên 48.600 đồng. Người thứ tư tăng từ 33.525 đồng lên 40.500 đồng và người thứ năm trở đi tăng từ 26.820 đồng lên 32.400 đồng.
Theo hướng dẫn mới của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với trường hợp tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng, hoặc tham gia BHYT theo diện hộ gia đình nếu tham gia từ ngày 1/7 trở đi thì tính đóng theo lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng/tháng; trường hợp đã tham gia và cấp thẻ BHYT trước ngày 1/7, không phải đóng bổ sung theo lương cơ sở mới.
Mức đóng BHYT hộ nghèo, cận nghèo
Những người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều tham gia bảo hiểm y tế phải đóng với mức sau: Mức đóng bảo hiểm y tế tối đa/tháng = 30% x 4,5% x Mức lương cơ sở. Từ 1/7, mức đóng bảo hiểm y tế của nhóm này sẽ tăng từ 20.115 đồng/tháng lên 24.300 đồng/tháng.
Mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên
Theo quy định, đối tượng học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải đóng với bảo hiểm y tế theo mức sau: Mức đóng bảo hiểm y tế tối đa/tháng = 70% x 4,5% x Mức lương cơ sở.
Từ 1/7/2023, mức đóng bảo hiểm y tế của nhóm này sẽ tăng từ 46.935 đồng/tháng lên thành 56.700 đồng/tháng.
Quyền lợi của người tham gia BHYT từ 1/7/2023
Từ ngày 1/7, người tham gia BHYT được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở. Có nghĩa là, trước ngày 1/7, nếu một lần khám, chữa bệnh của người bệnh đúng quy định có chi phí thấp hơn 223.500 đồng thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí. Từ ngày 1/7, chi phí trong một lần đi khám, chữa bệnh nếu dưới 270.000 đồng thì người dân được miễn phí. Mức chi phí này tăng 46.500 đồng so với mức cũ.
Ngoài ra, người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương 10,8 triệu đồng), trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, cũng được BHYT chi trả 100%. Mức tiền đồng chi trả để được BHYT thanh toán 100% hiện nay là 8,94 triệu, từ 1/7 tăng lên 10,8 triệu đồng.
Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở. Từ 1/7, mức này sẽ tăng từ hơn 67 triệu đồng lên 81 triệu đồng.
Mức thanh toán BHYT trực tiếp hiện nay quy định tại Điều 30 Nghị định 146/2018 của Chính phủ và được xác định dựa trên mức lương cơ sở. Cụ thể: thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định nhưng không quá mức tối đa.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Từ tháng 7/2023: Ai có thẻ BHYT khi đi khám sẽ được hưởng 1 quyền lợi cao chưa từng có
-
Thêm 1 quyền lợi từ 1/7/2023: Ai có thẻ BHYT 5 năm liên tục, đi khám chữa bệnh sẽ hưởng
-
Từ 1/7: Ai đáp ứng điều kiện này khi đi khám chữa bệnh sẽ được BHYT chi trả 100%
-
6 trường hợp đi khám trái tuyến vẫn được hưởng BHYT 100% năm 2023: Không biết mất quyền lợi
-
Kể từ 1/7/2023: Có 5 đối tượng khám chữa bệnh trái tuyến vẫn được hưởng BHYT 100%