Từ 1.7.2024, người dân được cấp căn cước điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công hoặc giao dịch theo nhu cầu cá nhân khi Luật Căn cước có hiệu lực.
Sự khác biệt giữa Căn cước điện tử với thẻ căn cước
Một trong những điểm mới được đưa vào Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 là quy định về căn cước điện tử.
Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Điều 31 luật Căn cước quy định, mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử.
Căn cước điện tử gồm danh tính điện tử (số định danh cá nhân; họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh khuôn mặt; vân tay) và một số thông tin cá nhân khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước. Ngoài ra, căn cước điện tử có thể được tích hợp các thông tin như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…
Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.
Đáng chú ý, căn cước điện tử sẽ bị khóa khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa; hoặc vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; hoặc bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước; hoặc chết; hoặc có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan khác có thẩm quyền. Tương ứng với từng trường hợp, căn cước điện tử được mở khóa khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu; hoặc đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; hoặc được trả lại thẻ căn cước; hoặc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Căn cước điện tử có thay thế cho thẻ căn cước?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, thẻ căn cước và căn cước điện tử là 2 hình thức thể hiện khác nhau, đều chứa đựng thông tin về căn cước của công dân. Trong đó, thẻ căn cước được thể hiện dưới dạng vật lý (là thẻ nhựa), còn căn cước điện tử là thông tin về căn cước của một người được thể hiện dưới dạng điện tử trong tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Căn cước điện tử được cập nhật liên tục thông tin của công dân nếu có sự thay đổi.
Bên cạnh những thông tin cơ bản bao gồm những thông tin thể hiện trên thẻ căn cước, căn cước điện tử được bổ sung một số thông tin khác nhằm phát huy tối đa tiện ích và giá trị của thẻ căn cước trên môi trường điện tử để phục vụ tốt hơn nhu cầu giao dịch của người dân.
Tuy nhiên, căn cước điện tử là một nội dung mới được điều chỉnh trong luật. Thêm vào đó, để áp dụng đồng bộ, thống nhất căn cước điện tử của người dân trên phạm vi cả nước, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị cho các cơ quan, tổ chức... cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa. Do vậy, quy định về căn cước điện tử là chính sách được đặt ra với mục tiêu hoàn thiện theo từng giai đoạn (đến năm 2030). Trong thời gian thực hiện các mục tiêu đề ra, người dân sẽ sử dụng song song 2 hình thức căn cước điện tử và thẻ căn cước (vật lý).
Cũng để tạo điều kiện cho người dân, luật đã quy định chuyển tiếp theo hướng căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực thi hành sẽ có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Người dân khi có nhu cầu được cấp đổi sang căn cước.
Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31-12-2024 có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12-2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng.
Cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024.
Quy định về việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân trong các văn bản pháp luật ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như với căn cước quy định tại luật này cho đến khi văn bản quy phạm đó được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Kể từ 1/7/2023: Phạt 7 trường hợp sau nếu không đi đổi CCCD, người dân cần biết sớm
-
Thẻ căn cước từ 1-7-2024 có 4 điểm khác biệt quan trọng so với CCCD gắn chíp: Đó là gì?
-
Kể từ 1/7/2024: Những đối tượng đầu tiên sẽ được cấp thẻ Căn cước theo Luật mới
-
Từ 1/7/2024: CCCD sẽ có 5 sự thay đổi này, ai cũng nên biết sớm
-
Luật Căn cước: 3 quy định mới về đến Chứng minh Nhân dân, Căn cước Công dân từ năm 2024, ai cũng cần biết