Từ câu chuyện mẹ dạy con tập patin: Cha mẹ đừng cho mình quyền sống thay con!

( PHUNUTODAY ) - Từ một câu chuyện có thật về cách bà mẹ dạy con ở công viên Thống Nhất, người ta tự hỏi rằng sao cha mẹ lại dạy con bằng cách kỳ lạ thế. Cứ buông lời cay đắng, cứ dùng đòn roi thì con sẽ giỏi hơn người hay sao?

Câu chuyện dạy con sao cho đúng chưa bao giờ hạ nhiệt. Có những quan điểm dạy con phải bằng tình thương, nhưng cũng có người cho rằng "yêu cho roi cho vọt". Bởi thế mới có những cảnh tượng trên suốt quãng đường từ trường về nhà, có gia đình ân cần hỏi con hôm nay học được gì; thì lại có những gia đình mắng chửi con không tiếc lời vì trẻ lỡ bị điểm kém hơn cái đứa ngồi cùng bàn bên cạnh, vì thành tích chẳng cao được như đứa con của chị bạn cùng công ty...

Ồ thật lạ, đúng là trẻ thơ cần được uốn nắn từ nhỏ để nên người nhưng điều đó đâu có nghĩa là chúng phải lớn lên theo ý tưởng của cha mẹ. Mỗi con người có một cá tính, một bé gái có thể thích trở thành một võ sư thay vì một nghệ sĩ múa như mong ước của mẹ, một bé trai hoàn toàn có thể làm một vũ công chứ không phải một kỹ sư như định hướng của cha. Cuộc sống của chúng, chúng muốn sao thì chúng sẽ làm vậy. Những bậc cha mẹ chỉ nên là người đưa ra định hướng đúng đắn chứ đừng nên tự cho mình quyền sống thay con.

Chiều ngày 23/8 tại công viên Thống Nhất, một cậu bé chừng 7 - 8 tuổi run rẩy tập đi patin và người mẹ vừa chửi vừa đánh vì con không giỏi như các bạn xung quanh. Chứng kiến sự việc đó, FB Vũ Quang Nguyen đã chia sẻ lên trang cá nhân của mình diễn biến câu chuyện và những suy tư của mình khiến bao người cùng trăn trở: "Dạy con thế nào cho đúng?"

 Đoạn chia sẻ thu hút gần 8000 lượt tương tác trên FB

"Tôi gặp cậu bé này lúc chiều nay ở công viên Thống Nhất, chắc cũng chỉ tầm 7-8 tuổi là cùng, với đôi chân run rẩy trên đôi giày patin mới coóng. Chắc cậu bé mới chỉ tập được vài tuần. Tôi chưa hiểu chuyện, nên tôi nghĩ rằng cậu bé này chắc sẽ được bố mẹ ông bà ở sau hướng dẫn, từng bước một, và đồng thời động viên sau mỗi lần vấp ngã.

Nhưng có lẽ do chưa hiểu chuyện nên tôi sai rồi. Thay vì động viên, người mẹ liên tục đi theo sau mắng cậu bé. Cậu chỉ biết vừa khóc, vừa run lẩy bẩy vì sợ ngã, vừa nhích từng cm một trên đôi patin mới toanh.

Chị mẹ (gọi chị thôi, vì chị ta chẳng thể hơn tôi quá nổi 15 tuổi đâu để phải gọi là cô) thì cứ thế mặc sức mắng chửi:

- Anh nhìn xuống cái chân anh hộ tôi. Để chân chếch chữ V đi! Có thấy người ta đi như thế nào không?

- Tao nói mày không nghe à? Tao bảo mày sải chân dài ra, đưa chân dài ra?

- Mày sợ cái gì? Có tin tao xô ngã mày không?

Và chẳng ngại ngần, chị mẹ chạy tới xô cậu bé ngã thật. Dù có bảo hộ, dù cho đầu gối không đau nhưng một cú tạt tay của chị mẹ vào vai cậu bé có thật là không đau?

 Dạy con bằng những lời cay đắng có phải là phương pháp tốt? (Ảnh: FB Vũ Quang Nguyen)

Chị mẹ đẩy ngã con xong thì thản nhiên bước tiếp, bắt cậu bé đứng dậy rồi dọa: "Nếu mày mà không đi tử tế thì tao vứt ngay đôi giày đi".

Cậu bé chẳng dám cãi, chẳng dám trái lời, đứng dậy, nức nở tiến lại và lí nhí trong nước mắt: "Con muốn đi".

Và câu chuyện lại quay lại từ đầu. Cậu bé vừa khóc, vừa đi, còn chị mẹ vừa chửi, vừa đánh.

Tôi ngồi ở ghế đá đối diện hai mẹ con, lia máy chụp nhanh vài bức, chụp cả chị, chụp cả cậu bé. Chị nhìn thấy, cũng bỏ qua, nhưng lát sau thì hất hàm hỏi:

- Em chụp cái gì?

- Em chụp cái cách dạy con của chị.

Vốn đang rảnh, lại thấy tội cậu bé, tôi đôi co với chị một hồi. Còn chị chẳng buồn liếc tôi bằng nửa con mắt, chỉ để lại mỗi một câu: "Em cứ có con đi em sẽ hiểu".

 Tuổi thơ của trẻ xin đừng là nỗi đau về thể xác và tâm hồn (Ảnh minh họa)

Theo chàng trai này, "chị mẹ" nói như vậy thì anh sẽ phải hiểu rằng mình có quyền được chửi mắng, đánh một đứa trẻ chỉ vì nó không sống như những gì mình muốn? Có quyền được so sánh con với "con nhà người ta" theo cái kiểu lăng mạ, hạ nhục, đe dọa nó với mục đích cao cả là "giúp nó khá lên"? Có quyền được sống cuộc đời của con thay cho chính chúng nó? Có quyền được dùng con cái để làm công cụ khoe mẽ, thêm điểm cho bản thân là "biết đẻ con", "biết dạy con"? Và mình sẽ được tước đi toàn bộ quyền mà đáng lẽ một đứa trẻ phải được hưởng? 

Cũng theo quan điểm của chàng trai chưa lập gia đình này, anh cảm thấy tội cho cậu bé vì "sinh ra đã làm con rối trong tay cha mẹ", "tuổi thơ bị tước đoạt bởi chính người sinh ra mình". Bởi nếu là chuyện học hành thi cử thì chẳng nói, nhưng đây chỉ là ột môn thể thao, hà cớ gì phải bắt một đứa trẻ bật khóc chỉ vì phải theo đuổi một thứ gọi là sở thích, thú vui? 

Ngay sau khi đăng tải, bài tâm sự này đã nhận được những phản hồi trái chiều từ phía cộng đồng mạng. Đó là sự đồng cảm khi thấy hình ảnh của mình trong đó, là sự nghi ngờ vì câu chuyện này đến từ một góc nhìn, là sự ủng hộ vì cha mẹ ngày nay đang o ép con một cách vô lối...

FB Oanh Bí chia sẻ: "Đọc bài viết tôi thấy tôi đâu đó trong đây, dù cũng 21 tuổi rồi nhưng đó vẫn luôn là những nỗi ám ảnh của bản thân. Tôi không trách, không oán hận bố mẹ. Chỉ là tôi thật sự buồn và thất vọng vì giữa tôi và bố mẹ vẫn luôn là 1 bức tường ngăn cách vô hình mà dù có cố chạm vào trái tim đối phương thì cũng chỉ chạm được đến mặt kính mà thôi, cái lạnh buốt chạm vào da thịt".

Nhưng cũng nhiều người cho rằng chính bởi người đăng tải chưa từng làm cha làm mẹ nên quan điểm có phần quy chụp và thiếu khách quan. 

 

 

Tác giả: Huệ Anh