Thẻ căn cước là gì?
Thẻ Căn cước được quy định trong Luật Căn cước số 26/2023/QH15 ban hành ngày 27/11/2023 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, thẻ này sẽ thay thế cho thẻ căn cước công dân và có thêm nhiều thông tin tích hợp hơn.
Căn cứ theo Khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước 2023, Thẻ căn cước là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam được cấp bởi cơ quan Công an, chứa thông tin căn cước bao gồm các thông tin cơ bản để xác định cá nhân như thông tin về nhân thân, lai lịch, nhân dạng sinh trắc học và các thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ.
Thông tin có trên thẻ căn cước sẽ gồm có 2 loại thông tin sau:
(1) Các thông tin được in trên thẻ gồm có: Ảnh, mã số định danh, họ tên, chữ đệm khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quốc tịch và nơi cư trú.
(2) Các thông tin được mã hóa trong mã QR in trên mặt sau của thẻ gồm: Thông tin sinh trắc học của cá nhân như ảnh khuôn mặt, ADN, dấu vân tay và mống mắt ...
Thẻ căn cước không chỉ là tài liệu định danh cho cá nhân mà còn là chứng minh về quyền lợi và trách nhiệm của công dân đối với quốc gia. Nó có thể được sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục trên dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác có yêu cầu thẻ căn cước trên lãnh thổ Việt Nam.
Những người phải đổi thẻ căn cước công dân trong năm 2025
Theo Điều 21 Luật Căn cước 2023 có quy định về Độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân như sau:
- Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
- Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo.
Như vậy, trong năm 2025, những người sinh năm 2011, 2000, 1985, 1965 đã đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước theo quy định. Trường hợp đã được cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Ngoài trường hợp tới tuổi cần cấp đổi thẻ căn cước, một số trường hợp khác cũng phải tiến hành thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, bao gồm: Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật; Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước; Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính; Xác lập lại số định danh cá nhân; Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
Mức phạt khi không đổi Căn cước công dân hết hạn
Theo điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP và Điều 23 Luật căn cước công dân 2014, kể từ năm 2022, việc không đổi căn cước công dân khi hết hạn sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.
Theo quy định hiện nay, người dân có CCCD gắn chip đang còn hạn sử dụng, không bị hư hỏng không có sai sót trong thông tin in trên căn cước, thì không cần phải bắt buộc đi đổi sang Căn cước mới - Trừ khi có nhu cầu mong muốn đổi. Đồng thời, thông tin người dân không đi đổi Căn cước công dân gắn chip sang Căn cước sẽ bị phạt tiền là sai sự thật.
Tác giả: Thạch Thảo
-
Kể từ 1/7/2025, đi xe máy không có đăng ký xe sẽ bị CSGT tịch thu xe, có đúng không? Người dân chú ý
-
Tháng 7/2025: Lương hưu chính thức thay đổi cho 7 đối tượng, mức hưởng bao nhiêu?
-
Ngành học 'siêu hot' chỉ 3 trường ở Việt Nam đào tạo: Ra trường lương cao ngất, 100% có việc làm
-
Từ 15/2/2025: Người dân bắt buộc phải dùng thẻ ATM bản ảo, ai dùng bản cứng sẽ bị khóa thẻ?
-
Kể từ 1/7/2025 người dân buộc phải cấp đổi căn cước, không còn được dùng CCCD gắn chip có đúng không?