Trong đời sống người Việt, văn hóa tâm linh biểu hiện vô cùng đa dạng và phong phú. Dễ thấy nhất là phong tục thờ cúng tổ tiên, người thân trong gia đình. Còn nói xa hơn là tập tục đi đền chùa, cầu cúng thánh phật.
Văn hóa tâm linh tạo nên những mặt tích cực không thể phủ nhận trong cuộc sống, tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng, giúp lưu giữ và phát huy các truyền thống tốt đẹp, vị tha, hướng thiện của con người.
Tất cả những bài Kinh trong kinh Nikaya chưa bao giờ Phật bắt ai phải tin Ngài. Ngược lại, Ngài còn dạy các hàng đệ tử rằng: “Chớ có tin đó là chân lý dù ai nói đó là lời của Ta nói ra. Chớ có tin đó là chân lý dù là lời Thầy của mình nói ra…”.
Ngài luôn dạy chúng ta phải “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.”
Dù có Quy y Tam Bảo thì hãy coi lại Pháp ấy có dạy chúng ta đi đến xa lìa khổ đau hay không? Vị Tăng ấy có phải là người nghiêm trì trong Giới luật không? Con đường vị ấy đi có đúng theo con đường Đức Phật đã dạy về GIỚI, ĐỊNH, TUỆ hay không? Chỉ 3 điểm này mới là cốt lõi của những gì Đức Phật dạy. Tại sao mọi người không nhớ? Còn nếu ai đi theo một luồng tư tưởng nào ngoài 3 điều trên và gắn cái mác Phật giáo thì thôi đó là NGHIỆP của họ.
Nhiều người Việt áp đặt quan niệm “trần sao âm vậy” vào văn hóa tâm linh nên đã nhuốm màu sắc tiêu cực của cách ứng xử trần tục vào những chốn linh thiêng. Họ cứ tưởng rằng “suy bụng ta ra… bụng thần” mà tạo ra cảnh xô bồ, chen chúc tại các miếu mạo, đền chùa.
Đi lễ phải mang theo lễ vật thật hậu hĩnh để mong trời phật phù hộ, trừ tà, giải hạn hay ban tài lộc cho. Nếu như lễ vật tỷ lệ thuận với sự phù hộ thì cảnh tượng này đâu có khác gì so với xã hội tiêu cực, chạy chọt ở ngoài đời. Số lượng người viết sớ, sắm sửa lễ, bưng lễ thuê cũng đông đảo không kém gì đội quân “cò mồi” trong cuộc sống.
Đúng là chỉ có Trí Tuệ của Phật; Từ hơn 2500 năm trước Ngài đã thấu suốt được những vấn nạn trong Phật Pháp sẽ có những người mượn danh của Tam Bảo để nói này nói nọ. Đây mới là điều đáng sợ cho Nhân Quả của chính họ và cũng là điều đáng lo cho những Phật tử ít hiểu biết trong Chánh Pháp.
Vậy nên, các bạn à, chỉ nên tin thôi chứ đừng cuồng tín. Tôn trọng văn hóa tâm linh là điều cần thiết nhưng đó không có nghĩa là chấp nhận nạn mê tín dị đoan trong một xã hội văn minh hiện đại.
Tác giả: Minh Ngọc