Vì sao các nhà khảo cổ lại sợ “trứng gà” khi khai quật mộ cổ?

( PHUNUTODAY ) - Tìm thấy trứng gà trong khi khai quật mộ cổ là một trong những nỗi ám ảnh đối với các nhà khảo cổ học. Hóa ra, điều này có nguyên nhân khiến họ phải dè chừng.

Trong khi khai quật những ngôi mộ cổ có niên đại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các nhà khảo cổ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Trong đó, có nhiều di tích văn hóa sẽ bị hủy hoại với những mức độ khác nhau, do lâu đời và ảnh hưởng từ môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, trong quá trình khai quật những ngôi mộ cổ, có một thứ khiến cả những kẻ trộm mộ và các chuyên gia khảo cổ đều sợ đụng độ nhất. Đó chính là trứng gà.

Trên thực tế, trong các cuộc khai quật trước đây, một số nhà khảo cổ đã phát hiện ra trứng gà trong các ngôi mộ cổ. Việc tìm thấy trứng gà trong mộ cổ khiến các chuyên gia ban đầu rất vui mừng vì chúng có thể cung cấp nhiều thông tin quý giá về sự phát triển ngành chăn nuôi của người xưa.

Trứng gà vốn là nguyên liệu không thể thiếu trong mỗi gia đình hiện nay, đồng thời cũng là nguồn thực phẩm quan trọng trong những bữa ăn hàng ngày. Giá trị dinh dưỡng của trứng gà cũng rất cao và có giá cả hợp lý với tiêu dùng của người dân.

Thế nhưng, vào thời xưa, trứng gà là một thứ xa xỉ đối với nhiều gia đình. Thậm chí, nếu nuôi gà đẻ trứng thì những gia đình nghèo cũng lựa chọn bán đi. Chính vì vậy, trứng gà rất ít xuất hiện ở trong các ngôi mộ của những người dân bình thường.

Quá trình khai quật các ngôi mộ cổ thường không dễ dàng.

Các nhà nghiên cứu cho biết, vào thời xa xưa, chỉ có một số người giàu có và quyền lực mới sử dụng trứng gà để làm vật bồi táng khi qua đời.

Do đó, trong quá trình khai quật, nếu phát hiện được trứng gà trong di tích thì chứng tỏ thân phận của chủ nhân ngôi mộ cũng tương đối nổi bật, thậm chí là giàu có. Nếu như ngôi mộ không bị mộ tặc tấn công thì rất có thể các chuyên gia sẽ tìm thấy di vật văn hóa quý giá trong các ngôi mộ này.

Trên thực tế, số lượng trứng gà tìm thấy trong các ngôi mộ cổ không phải là một hoặc hai quả. Thay vào đó, có rất nhiều trứng được cất trong một chiếc lọ hay chiếc bình lớn. Đáng chú ý là chiếc lọ này đã được đậy kín.

Các nhà khảo cổ học sợ hãi khi tìm thấy trứng gà trong mộ cổ.

Vì sao các nhà khảo cổ sợ hãi khi tìm thấy trứng gà trong mộ cổ?

Chỉ cần sơ sẩy, quả trứng trong mộ cổ có thể lập tức vỡ vụn.

Hóa ra nỗi sợ của các nhà khảo cổ xuất phát từ một sự cố có thật. Theo đó, các nhà khảo cổ Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện ra trứng gà được chôn cất trong một ngôi mộ cổ từ thời Tây Chu ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Ngoài hơn 300 di vật văn hóa được tìm thấy, các chuyên gia đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra chiếc bình đựng trứng.

Chiếc bình này có niên đại hơn 2.800 năm, đồng nghĩa với việc nó là một bảo vật vô giá.

Mặc dù các ngôi mộ của người xưa thường sử dụng những biện pháp bảo vệ, phong ấn nhằm chống sự xâm nhập, nhưng trải qua hàng nghìn năm, vi khuẩn và không khí vẫn lọt vào trong mộ.

Vỏ trứng đã bị vôi hóa từ lâu, lòng đỏ và lòng trắng trứng bên trong cũng đã hư hỏng. Tuy nhiên, nếu không có ngoại lực tác động, quả trứng vẫn tạm thời giữ được nguyên hình dạng.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, có một chuyên gia đã sơ ý làm vỡ quả trứng bằng cách dùng tay chạm nhẹ vào. Không ngờ, quả trứng ngay lập tức bị vỡ vụn. Điều này cũng gây ra tổn thất không thể cứu vãn đối với cổ vật có niên đại hàng nghìn năm.

Đến tháng 8 năm 2015, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một lọ trứng gà tại một di chỉ ở Quý Châu. Lần này, các nhà khảo cổ đã rút kinh nghiệm sâu sắc từ sự cố lần trước. Họ đã dùng bàn chải lông mềm để phủi lớp bụi bên ngoài vỏ trứng, thay vì chạm tay vào.

Thế nhưng, ngay sau khi bàn chải quét qua quả trứng, vỏ trứng liền nứt ra và hư hỏng ngay trước mặt các nhà khảo cổ.

Ngay cả dùng bàn chải quét qua, quả trứng trong mộ cổ cũng bị hư hỏng ngay.

Kể từ đó, nếu phát hiện ra trứng gà trong mộ cổ thì các nhà khảo cổ đều không dám tùy ý đụng vào. Hơn nữa, đối với loại cổ vật dễ vỡ này, các chuyên gia cũng gặp rất nhiều khó khăn để có thể khai quật được một cách nguyên vẹn.

Mặt khác, một khi trứng gà bị vỡ trong mộ cổ cũng có thể bốc ra mùi hôi thối, phá vỡ môi trường ổn định trong mộ, khiến công việc khai quật không thể tiếp tục thực hiện, hoặc khiến cổ vật, di vật không còn nguyên vẹn.

Chính vì vậy, để đảm bảo cho sự an toàn của bản thân và các cổ vật, các nhà khảo cổ sẽ lấy cả bình trứng ra khỏi quan tài và ngâm chúng vào dung dịch đặc biệt để đưa ra khỏi mộ cổ. Sau đó, số trứng này sẽ được nghiên cứu một cách cẩn thận trong phòng thí nghiệm với tia X.

Dù sợ hãi khi tìm thấy trứng gà trong mộ cổ, nhưng dù sao đây cũng là manh mối quý giá cho thấy rất có thể các nhà khảo cổ đã phát hiện một ngôi mộ có nhiều báu vật, cổ vật không tầm thường.

Tác giả: Mộc