Vua Minh Mạng nhà Nguyễn có tất thảy 43 bà vợ, các bà vợ này sinh 142 người con gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa. Hậu thế lý giải "khả năng sung mãn" của vua nhờ phương thuốc “Minh Mạng thang".
Vua Minh Mạng hay Minh Mệnh là con trai thứ tư của Hoàng đế Gia Long và là vị vua thứ hai của Vương triều Nguyễn trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1820 - 1840.
Trong cuốn Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn của tác giả Nguyễn Viết Kế biên soạn có viết, khi nghỉ ngơi vua có 5 bà vợ hầu hạ. "Một bà vấn thuốc têm trầu, bà quạt, bà đấm bóp, người ru và một để sai vặt. Mỗi bà một canh".
Đồng thời theo những ghi chép tản mạn còn để lại trong Đại Nam thực lục hoặc Minh Mệnh chính yếu, vua Minh Mạng là vị vua có ý thức trong việc giữ gìn sức khỏe của bản thân. Ngoài thời gian chăm lo chính sự, vua đi bộ thường xuyên, coi đó là “một phương pháp cầu thêm sống lâu vậy”, và coi trọng việc thể dục vì “người ta phải tập vận động, cố gắng thì ngày một thêm mạnh”.
Vua Minh Mạng (1791 - 1841) lúc nhỏ có tên Nguyễn Phúc Đảm và Nguyễn Phúc Kiểu. Ông là con trai thứ hai của vua Gia Long (Nguyễn Ánh). Sách "Chín đời chúa mười ba đời vua triều Nguyễn" viết, sinh thời vua Gia Long có ý định truyền ngôi cho người con trưởng là hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh. Nhưng hoàng tử Cảnh chẳng may qua đời sớm nên Phúc Đảm được chọn thay thế. Sau khi vua Gia Long qua đời, tháng 12/1820 Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Minh Mạng, ông trị vì triều Nguyễn trong 21 năm (1820 - 1841). Thời gian đó, Minh Mạng đã xây dựng quốc gia hùng cường, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.
Dưới thời vua Minh Mạng, lãnh thổ đất nước được mở rộng hơn cả. Năm 1838, ông đổi tên quốc hiệu từ Việt Nam thành Đại Nam, nghĩa là quốc gia phương Nam rộng lớn. Quốc hiệu Đại Nam tồn tại đến năm 1945, tổng cộng 107 năm. Theo sách “Đại Nam thực lục Chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 190, vua Minh Mạng giải thích việc đặt quốc hiệu là Đại Nam như sau: “Nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng, một dải phía Đông đến tận biển Nam, vòng qua biển Tây, phàm là người có tóc có răng đều thuộc vào trong bản bản đồ, bờ biển rừng sâu khắp nơi đều theo về cả. Trước gọi là Việt Nam, nay gọi là Đại Nam thì càng tỏ nghĩa lớn… Chuẩn từ nay trở đi, Quốc hiệu phải gọi là nước Đại Nam, hết thảy giấy tờ xưng hô phải chiếu theo đó tuân hành. Giả hoặc có nói liền là nước Đại Việt Nam về lẽ vẫn phải, không được nói hai chữ Đại Việt. Còn Hiệp kỷ lịch năm nay trót đã ban hành thì không phải thay đổi hết thảy… Lấy năm Minh Mạng thứ 20 bắt đầu đổi thành chữ Đại Nam mà ban hành để chính tên hiệu cho các nơi xa gần đều biết”.
Vốn là ông vua nổi tiếng nghiêm khắc, sinh thời, vua Minh Mạng từng xử phạt rất nặng nhiều quan lại, thân tộc tham nhũng. Trong số đó, nổi tiếng nhất là vụ vua chuẩn y tử hình bố vợ là Huỳnh Công Lý. Theo sử sách, Huỳnh Công Lý vốn là công thần từ thời Gia Long, sau này được cử làm Phó Tổng trấn Gia Định, nhưng trong thời gian Tổng trấn Lê Văn Duyệt ra Huế (1816 - 1820), Huỳnh Công Lý lợi dụng chức vụ và bề trên đi vắng, thừa cơ vơ vét của cải từ nhân dân và binh lính tới 30.000 quan tiền. Sự việc bại lộ, Huỳnh Công Lý bị xử tử.
Nhiều tư liệu lịch sử cho biết, vua Minh Mạng có rất nhiều phi tần, đến mức phải giải phóng bớt đi. Theo sách "Minh Mạng chính yếu", mùa xuân, năm Minh Mạng thứ 6, tháng giêng trong kinh thành ít mưa, vua lo sợ hạn hán, cho rằng trong thâm cung có nhiều âm khí uất tắc, nên đã giải phóng bớt một trăm người, để mong giải trừ thiên tai. Theo sách "Nguyễn Phúc tộc thế phả" vua Minh Mạng tổng cộng 43 bà vợ được ghi rõ lai lịch. Bà Hồ Thị Hoa (thụy là Tá Thiên nhân Hoàng hậu, người vợ mà vua nhiều tình cảm nhất). Bà sinh được Hoàng tử Dong (sau đặt theo đế hệ là Miên Tông, là vua Thiệu Trị sau này) mới được 13 ngày thì mất (1807).
Có rất nhiều con cái nên việc chọn ra người kế vị cũng không hề dễ dàng với vua Minh Mạng. Năm 1841, khi ốm nặng, biết mình không qua khỏi, vua đã gọi đại thần Trương Đăng Quế tới và ủy thác “Hoàng tử Trường Khánh Công (Nguyễn Phúc Miên Tông) lấy về ngôi thứ là hàng trưởng, lấy về đức, về tuổi nên nối ngôi lớn. Ngươi nên hết lòng giúp sức rập, hễ việc gì chưa hợp lẽ, ngươi nên lấy lời nói của ta mà can gián. Ngươi trông mặt ta, nên ghi nhớ lấy”. Vua qua đời vào ngày 20/1/1841, sống thọ 50 tuổi. Theo di chiếu của vua, triều thần đưa con trưởng Nguyễn Phúc Miên Tông lên ngôi, tức vua Thiệu Trị.
Theo Đại Nam thực lục, hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Phú tuy được răn dạy cẩn thận, nhưng tính tình phóng khoáng, chỉ thích ăn chơi, hưởng lạc, không chịu học hành, ỷ thế làm điều càn bậy. Tháng 11 năm Ất Mùi (1835), Miên Phú cùng các thuộc hạ là Hoàng Văn Vân, Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế tổ chức đua ngưạ ở ngoài hoàng thành, gây náo loạn đường phố, một bà lão vì không tránh kịp đã bị ngựa của Hoàng Văn Vân xéo chết. Biết tin, vua Minh Mạng ra lệnh tước mũ áo của Miên Phú, cắt lương bổng hàng năm, giam lỏng ở nhà riêng để tự sửa lỗi, không cho ra ngoài một bước, không được dự vào hàng các hoàng tử, chỉ được gọi tên là Phú (Miên là tên đệm của các Hoàng tử con Minh Mạng), phải bồi thường cho người bị hại 200 lạng bạc. Những thuộc hạ của Miên Phú có tội đều bị xử theo các mức độ khác nhau. Nặng nhất là Hoàng Văn Vân bị xử chém, anh em Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế bị đày đi phát vãng nơi xa, khi tới nơi còn bị đánh 100 gậy.
Tác giả: Thạch Thảo
-
Tại sao tháng 12 âm lịch có nhiều tên gọi, lúc là tháng Chạp, lúc là tháng củ mật?
-
Người phụ nữ bán trà đá ai cũng tưởng nghèo: Hóa ra sở hữu thứ đắt giá bằng cả chiếc ô tô
-
10 ngày 1/12-10/12 Âm: 4 tuổi nhiều lộc lá, 1 tuổi hưởng lộc trời giàu như vũ bão
-
Ngồi ngai vàng 3 ngày ngắn ngủi: 2 vị vua Việt làm được những gì?
-
Con sông có nhiều nhánh nhất thế giới nhưng không ai xây cầu, bạn có biết lí do?