Hiện nay có rất nhiều hình thức lừa đảo mới xuất hiện đánh vào lòng tham của người dân. Mặc dù nhiều người đã nêu cao cảnh giác nhưng vẫn mắc bẫy. Các hình thức nhận quà thưởng hay nhận trợ cấp được nhiều đối tượng lừa đảo áp dụng. Một trong số những chiêu thức mới hiện nay đó là thông tin tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) 5 năm liên tục được trợ cấp 5 triệu đồng.
Hình thức lừa đảo tham gia BHYT 5 năm liên tục được trợ cấp 5 triệu đồng
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, vừa qua trên địa bàn TP Đà Nẵng xuất hiện đối tượng loan tin lừa đảo người dân với nội dung "tham gia BHYT 5 năm liên tục sẽ được trợ cấp BHYT là 5 triệu đồng từ cơ quan BHXH”. Đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin của người dân, đối tượng lừa đảo đã khiến một số người mắc bẫy.
Theo phản ánh, ông T.D.A - trú tại tổ 12, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, vừa qua có một người liên hệ với ông qua tin nhắn Messenger thông báo ông đã tham gia BHYT 5 năm liên tục, nên sẽ được nhận khoản trợ cấp tiền BHYT là 5 triệu đồng từ cơ quan BHXH. Đối tượng đã nói với ông để nhận được khoản tiền trợ cấp trên, ông cần chuyển tạm ứng trước 6 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của người này. Sau đó, sẽ hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục liên quan (khi xong thủ tục, ông A sẽ được nhận 5 triệu đồng tiền trợ cấp BHYT và được hoàn trả 6 triệu đồng tiền chuyển khoản tạm ứng). Tin tưởng nội dung trên là thật, ông A đã chuyển khoản 6 triệu đồng cho đối tượng.
Tuy nhiên, sau một thời gian chờ đợi, ông A vẫn không nhận được khoản trợ cấp tiền BHYT là 5 triệu đồng từ cơ quan BHXH như lời cam kết của đối tượng. Lúc này, ông A biết mình bị lừa, nên đã đến BHXH quận Hải Châu đề nghị kiểm tra sự việc thì biết mình đã bị đối tượng lừa đảo dụ dỗ, chiếm đoạt tài sản.
Cán bộ BHXH TP Đà Nẵng cho biết, việc thu, chi đều do BHXH TP Đà Nẵng và BHXH các quận, huyện quản lý, tổ chức thực hiện hoặc thông qua hợp đồng với các tổ chức dịch vụ thu. Tất cả mọi người tham gia và hưởng chính sách BHXH, BHYT đều thực hiện theo quy định và không phải trả bất kỳ khoản lệ phí nào. Vì vậy, khi người lao động, người dân nhận được thông tin có ai đó tự xưng là cán bộ BHXH để yêu cầu nộp khoản phí nào đó, thì cần liên hệ ngay với cơ quan BHXH để xác minh rõ vụ việc, nhằm tránh bị đối tượng xấu lừa đảo.
Một số hình thức lừa đảo qua mạng xã hội và điện thoại phổ biến
Hàng loạt hình thức lừa đảo ra đời khiến nhiều người mắc bẫy dẫn đến những thiệt hại về tài sản, tinh thần suy sụp và những hậu quả nghiêm trọng hơn. Dưới đây là các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay người dân cần biết để phòng khi gặp phải tình trạng này.
+ Mạo danh cơ quan pháp luật
Kẻ lừa đảo sẽ sử dụng thủ thuật ẩn danh dưới số điện thoại giống với cơ quan chức năng như Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát,... để gọi điện cho con mồi và thông báo họ đang dính vào một vụ kiện do nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án có tính nghiêm trọng cao.
Khi đối tượng tỏ ra hoang mang hoặc thể hiện thái độ tin tưởng, bọn chúng sẽ yêu cầu người bị hại chuyển tiền hoặc điền thông tin để xác minh, điều tra nhưng thực chất là muốn chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
+ Lừa đảo trúng thưởng
Với hình thức này, đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện cho nạn nhân để thông báo trúng thưởng xe, điện thoại, laptop,... và yêu cầu nạn nhân đóng tiền để nhận thưởng, sau đó chiếm làm của riêng. Kẻ lừa đảo sẽ tạo nên những trang web tương tự như web ngân hàng và lấy mục đích đào tạo nhân sự để gọi điện tiếp cận với người bị hại hoặc nhắn tin qua các trang mạng xã hội. Sau đó, các đối tượng này sẽ yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào trang web để đánh cấp thông tin, số tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền.
+ Lừa tình trên mạng xã hội
Bên cạnh hình thức lừa đảo qua điện thoại thì hình thức lừa đảo qua mạng xã hội cũng khá phổ biến, điển hình là lừa tình. Những tên tội phạm này sẽ tiếp cận với con mồi qua mạng xã hội để lừa gạt tình cảm của họ. Sau khi tiếp cận, nói chuyện và đạt được lòng tin, họ sẽ thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách giả làm nhân viên hải quan yêu cầu nạn nhân đóng tiền để nhận quà hoặc mượn tiền làm ăn,...
+ Hack tài khoản mạng xã hội để vay tiền
Đối tượng lừa đảo sẽ hack các tài khoản mạng xã hội của người dùng như Facebook, Zalo,... và nhắn tin cho bạn bè, người thân của chủ tài khoản đó để mượn tiền, nhờ nạp card,...
+ Lừa nâng cấp SIM 4G
Thông qua việc mạo danh của nhân viên các nhà mạng, đối tượng lừa đảo sẽ tiến hành gọi điện hay nhắn tin đến con mồi để hướng dẫn cú pháp nâng cấp sim 3G thành sim 4G nhưng thực chất là để lừa đảo, lấy mã OTP của tài khoản ngân hàng đăng ký theo số điện thoại đã chiếm đoạt.
+ Mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội
Bằng cách giả danh Fanpage Facebook của BHXH Việt Nam, đối tượng lừa đảo sẽ nhắn tin thông báo đến người bị hại về vấn đề nợ tiền bảo hiểm xã hội và yêu cầu họ đóng phí.
+ Chuyển tiền làm từ thiện
Đối tượng gửi link web cho đối tượng cần nhận tiền từ thiện và yêu cầu họ nhập đầy đủ thông tin, tài khoản ngân hàng để nhận tiền rồi chiếm luôn số tiền trong tài khoản của họ.