Việc quan trọng cần làm ngay khi bị lừa đảo qua mạng: Ai cũng cần biết để sớm lấy lại tiền

( PHUNUTODAY ) - Khi bị lừa đảo qua mạng, người dân cần bình tĩnh để xử lý đúng cách.

Việc cần làm khi gặp lừa đảo qua mạng

Khi phát hiện mình bị lừa tiền qua mạng, người bị hại cần trình báo với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Việc đầu tiên mà người bị hại cần thu thập các thông tin như nội dung tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản... Đây là những chứng cứ tố giác với cơ quan chức năng giúp ích cho việc xử lý vụ việc.

Sau khi thu thập đầy đủ các thông tin, chứng cứ liên quan đến việc lừa đảo qua mạng, người bị hạt có thể đến cơ quan Công an nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) để gửi đơn tố giác.

Hồ sơ tố giác gửi tới cơ quan Công an gồm:

- Đơn trình báo công an;

- Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân của bị hại (bản sao công chứng);

- Chứng cứ kèm theo để chứng minh (video, hình ảnh, ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội…).

Trình báo lừa đảo qua mạng ở đâu?

Người bị hại có thể trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền để trình báo về vụ việc lừa đảo (chuẩn bị hồ sơ như đã nêu ở trên).

Ngoài ra, người bị hại có thể trình báo thông qua đường dây nóng của cơ quan Công an.

Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ:

+ Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội (có tích xanh), địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo;

+ Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053;

+ Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn.

Người bị lừa chuyển khoản qua mạng có cơ hội lấy lại tiền không?

Trả lời báo chí trong buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM chiều 14/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết, khi gặp tình huống bị lừa đảo chuyển khoản qua mạng, người dân cần nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để phong tỏa tài khoản, trình báo cơ quan công an để tiếp nhận, điều tra, xử lý.

Theo đại diện Công an TPHCM, các đối tượng lừa đảo trên mạng thường hoạt động ẩn danh, giả danh. Chúng chuẩn bị sẵn các phương án để xóa dấu vết trên mạng, đối với cơ quan chức năng. Vì vậy, tỷ lệ điều tra khám phá các vụ lừa đảo qua mạng khá thấp so với các loại án khác.

Trong thời gian qua, nhiều vụ án lừa đảo qua mạng có tổ chức đã được lực lượng công an khám phá. Việc trình báo của người dân về việc bị lừa đảo sẽ giúp lực lượng công an rất nhiều trong việc điều tra, xử lý, mở rộng vụ án, tổng hợp tình hình, tuyên truyền, cảnh báo...

Tác giả: Thanh Huyền