Việt Nam sở hữu con đường "đắt nhất hành tinh" khiến thế giới choáng ngợp: 1km đã có giá vài tỷ đồng

( PHUNUTODAY ) - Ở Hà Nội có một con đường đặc biệt, được mệnh danh là đường “đắt nhất hành tinh”. Nếu biết giá trị 1 km đường này, chắc chắn bạn cũng phải công nhận điều đó.

Mặc dù mức sống của người Việt thấp hơn rất nhiều nước trên thế giới nhưng ở Hà Nội có một con đường đặc biệt, được mệnh danh là đường “đắt nhất hành tinh”. Nếu biết giá trị 1 km đường này, chắc chắn bạn cũng phải công nhận điều đó.

Con đường “đắt nhất hành tinh”

Một trong những tuyến giao thông đường bộ quan trọng của Hà Nội là Vành đai 1. Tuyến đường này chạy xung quanh nội đô, bao trọn lấy Thủ đô. Đó chính là dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục. Vành đai 1 chiều dài hơn 2,2km, mặt cắt ngang 50m. Nếu hoàn thiện, dự án này sẽ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế, xã hội, đánh dấu bước ngoặt lớn cho phát triển kinh tế đô thị ở Hà Nội.

Tổng đầu tư dự án Vành đai 1 gần 7.800 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 6.400 tỷ đồng, xây dựng đường 627 tỷ đồng. Dự án được phê duyệt từ 12/2017, dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng đến nay chưa xong. Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến Vành đai 1 mãi chưa hoàn thiện được là khúc mắc trong giải phóng mặt bằng. Có 2.017 hộ dân phải nhường đất làm đường nhưng đến năm 2023 vẫn còn 442 hộ chưa đồng ý cho đo đạc. 139 hộ dân ở giữa đường Đê La Thành và Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Láng Hạ, hộ giáp trụ sở Đài Truyền hình Việt Nam nhiều năm qua liên tục kiến nghị về quy hoạch.

Về chi phí giải phóng mặt bằng đường Vành đai 1, càng theo thời gian con số càng tăng cao. Tháng 2/2008, Vành đai 1 đoạn Kim Liên – Xã Đàn thông xe. Tuyến này dài 550m, tổng mức đầu tư 773 tỷ đồng. Con đường này khi đó đã giành danh hiệu “đắt nhất hành tinh” khi trung bình chi phí là 1,41 tỷ đồng/km.

Nhưng 3 năm sau, đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu dài 547m đã khánh thành với tổng chi phí khoảng 800 tỷ đồng. Như vậy, 1km đường ở đây đã trị giá 1,5 tỷ đồng.

Tháng 7/2016, đường Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái với chiều dài 570m, tổng mức chi phí 1.139 tỷ đồng. Chi phí để hoàn thiện 1 km lúc này nâng lên 2 tỷ đồng.

Giờ đây Vành đai 1 còn đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục là chưa thể hoàn thiện vì vướng mắc vấn đề giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư. Đoạn đường này hiện đã phá kỷ lục về tổng kinh phí đầu tư trên mỗi km đường. Dự kiến, mỗi m đường ở đây sẽ tốn 3,44 tỷ đồng. Với con số khủng như vậy, không mấy bất ngờ khi dự án đường Vành đai 1 nhận danh hiệu đường “đắt nhất hành tinh”. Theo chuyên gia giao thông, các dự án vành đai thường tốn nhiều thời gian để khép kín hoàn toàn, trung bình là 10-20 năm. Các thành phố lớn ở Trung Quốc, Pháp hay Đức cũng phải mất vài chục năm mới khép kín được các đường vành đai.

Hạ tầng giao thông Hà Nội ngày càng phát triển đồng bộ và hiện đại

Hà Nội là đô thị loại đặc biệt và có số dân đông thứ hai ở nước ta, do đó giao thông Hà Nội có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày một tăng. Trong những năm qua, diện mạo Hà Nội ngày càng thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại. Thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, dự án hạ tầng giao thông. Các công trình kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Hiện nay, đường bộ chính là một trong những thế mạnh của Hà Nội với 11 tuyến đường vành đai, trục hướng tâm đi qua địa bàn thành phố. Trong đó có 7 tuyến hướng tâm gồm: Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Hạ Long; Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Lào Cai; Pháp Vân - Cầu Giẽ với tổng chiều dài 113,2km.

Cùng với đó là 3 tuyến vành đai: 3, 4, 5 có tổng chiều dài 129,5km và tuyến quá cảnh cao tốc Tây Bắc - QL5 dài 35 km. Hiện 8/11 tuyến đường bộ cao tốc đã cơ bản hình thành, tương ứng với 170,2km, trong đó có 7 tuyến hướng tâm. Việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc như đã nêu trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 4 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc mà Hà Nội là hạt nhân trung tâm. Đó là các hành lang: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên.

Hà Nội còn có thế mạnh đặc biệt với cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài, cánh cổng mở ra kết nối với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong bối cảnh đường sắt và đường thủy liên vùng còn nhiều hạn chế, khó khăn, hàng không và đường bộ đã phát huy mạnh mẽ vai trò chính yếu để đảm bảo cho Hà Nội giữ vững vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục.

Đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Thủ đô, của cả nước và đang dần vươn tầm ra khu vực. Với đòn bẩy giao thông, Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư mạnh mẽ nhất cả nước, nền kinh tế phát triển toàn diện cả công - nông nghiệp, dịch vụ, du lịch… có sức lan tỏa sâu rộng đến mọi miền đất nước.

Tác giả: Vũ Thêm