Virus biến đổi chậm có thuận lợi cho việc làm vắc xin không?
Các nhà khoa học tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã chia sẻ virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã có sự biến đổi, tiến hoá. Theo đó, virus có sự khác biệt giữa 2 nhóm: nhóm 1 là những người mắc bệnh từ Vũ Hán trở về (16 người) đã điều trị khỏi ở giai đoạn 1; nhóm 2 là những người mắc bệnh từ Châu Âu trở về.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung cho biết: "Việc biến đổi của vi rút trong đại dịch là bình thường. Virus biến đổi nhiều lần để tiến hóa nhằm thích nghi với môi trường mới.
Việc biến đổi của virus SARS-CoV-2 hiện nay theo các nhà nghiên cứu quốc tế thì chưa ảnh hưởng gì tới dịch tễ học lây truyền bệnh trên thế giới và ở Việt Nam cũng vậy. Các biện pháp chống dịch vẫn theo quy trình trước đó".
Bất cứ virus nào cũng sẽ tiến hóa và trong quá trình tiến hóa thì chúng phải biến đổi. Đối với bệnh Covid-19 thì đã có sáng kiến quốc tế nhằm trao đổi các bộ gen của virus trong quá trình giải trình tự gen để theo dõi quá trình lan truyền và lịch sử tiến hóa của nó.
"SARS-CoV-2 là một loại vi rút RNA nên quá trình giải trình tự gen này phức tạp hơn nhưng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương của ta đã làm được.
Tuy nhiên, có một thông tin tốt lành là các nhà khoa học đã phát hiện thấy SARS-CoV-2 biến đổi chậm hơn nhiều so với các vi rút cúm mùa. Dự báo vi rút SARS-CoV-2 trong một năm biến đổi không đến 25 lần, trong khi đó hầu hết các loại virus cúm mùa có đến hơn 50 lần biến đổi.
Gen của vi rút SARS-CoV-2 lớn gấp đôi gen virus cúm mùa nên vi rút cúm mùa có thể biến đổi nhanh gấp 4 lần virus gây bệnh Covid-19. Chính yếu tố này cho ta hy vọng là có thể phát triển được một loại vắc xin có hiệu quả phòng bệnh lâu dài hơn cúm mùa", PGS. Huy Nga nói.
Virus gây dịch Covid-19 ở Việt Nam đã biến đổi
Qua nghiên cứu trong thời gian qua, các nhà khoa học của Viện đã nhận thấy sự biến đổi khác biệt về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tại Việt Nam. Virus này đã tách ra thành 2 nhóm khác hẳn nhau. Đó là nhóm virus từ những người trở về từ Trung Quốc trong giai đoạn đầu khi dịch mới xuất hiện tại Việt Nam. Nhóm thứ 2 là virus trong những bệnh nhân nhập cảnh từ châu Âu thời gian qua.
Trong quá trình phân lập virus từ mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân đến từ Trung Quốc và châu Âu, các nhà khoa học nhận thấy virus gây bệnh cho 2 nhóm này khác hẳn nhau. Tuy nhiên, đến nay nghiên cứu vẫn chưa chỉ ra được virus nhóm nào lây nhiễm nhiều hơn, mạnh hơn. “Vì ngoài yếu tố đặc tính riêng, thì việc virus lây nhiễm còn phải có điều kiện tốt, môi trường tốt và cơ thể cảm nhiễm tốt”, PGS.TS Lê Quỳnh Mai phân tích.
Cùng với đó cũng chưa khẳng định được độc lực của SARS-CoV-2 có liên quan gì đến yếu tố địa lý, nguồn gốc mà chúng phát sinh hay không. Theo PGS.TS Quỳnh Mai, việc phát hiện ra những biến đổi của virus sẽ giúp cho việc sản xuất vắc-xin phòng bệnh hiệu quả hơn.
Tác giả: