Bộ GTVT đừng "tận thu" từ dân như thế!

( PHUNUTODAY ) - Khi bắt đầu thu Quỹ bảo trì đường bộ, các trạm thu phí đường bộ đã “trót” bán quyền thu lâu hơn mốc 1/1/2013 vẫn được để lại, còn người đi xe máy sẽ bị truy thu vì chậm nộp do chính sách chưa kịp đưa ra.

Khi bắt đầu thu phí cho Quỹ bảo trì đường bộ, các trạm thu phí đường bộ đã “trót” bán quyền thu lâu hơn mốc 1/1/2013 vẫn được để lại, còn người đi xe máy sẽ bị truy thu vì chậm nộp do chính sách chưa kịp đưa ra.
[links()]
Sau khi đăng loạt bài về Quỹ bào trì đường bộ, tòa soạn Phunutoday nhận được không ít phản hồi của độc giả, trong đó có không ít ý kiến chỉ rõ những điểm chưa hợp lý của Quỹ này. Chúng tôi xin đăng nguyên văn bài viết của bạn đọc Nguyễn Công Dương (ở Thanh Xuân, Hà Nội) gửi về tòa soạn mong đóng góp ý kiến với Bộ Giao thông vận tải:

Giờ có nói cũng không thay đổi được gì, khi bộ Giao thông vận tải đã quyết thực hiện thu Quỹ bảo trì từ 1/1/2013, nếu có sửa đổi cũng phải ít nhất nửa năm sau khi thực hiệm. Tuy nhiên, là một người sẽ phải đóng phí, tôi vẫn phải lên tiếng, hy vọng các cơ quan chức năng có thể đọc được.

-thu-phi-bao-tri-duong-bo-Phunutoday.vn.jpg
Trong khi các trạm thu phí đã bán quyền thu vẫn tiếp tục được duy trì, thì người đi xe máy lại bị truy thu.

Thời gian qua báo chí đã nói rất nhiều về phí này, một số điểm chưa hợp lý cũng đã được đề cập tới, tôi xin không nói tới những điểm đó, tôi chỉ đề cập tới điểm chưa hợp lý mà lâu nay chưa ai nói:

Như Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đã nói, từ ngày 1/1/2013, một số trạm thu phí đường bộ nộp ngân sách sẽ dừng hoạt động, tuy nhiên vẫn còn khoảng 44 trạm thu phí hoạt động, trong đó có 3 trạm nhà nước đã bán quyền thu phí, 41 trạm thu phí BOT.

Tôi chỉ xin nói tới các trạm đã bán quyền thu phí, phần lớn trạm này nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, lượng phương tiện qua lại rất lớn. Theo tôi được biết, bản chất của những trạm này là trạm thu ngân sách, nhưng vì nhà nước cần vốn, hoặc do trước đó thu bị thất thoát quá nhiều… nên nhà nước đã bán quyền thu phí cho tư nhân tổ chức thu, tư nhân được hưởng phần chênh lệch.

Thông thường, quyền thu phí chỉ được thực hiện từng năm một. Nhưng không hiểu tại sao những trạm này lại có hợp đồng liên tục vài năm, và trạm có hợp đông lâu nhất tới tận năm 2015 mới kết thúc.

Với các trạm đã bán quyền thu phí, các Bộ ngành lựa chọn phương án là cho hoạt động hết hợp đồng rồi mới dừng thu. Vậy là từ 1/1/2013, chủ xe sẽ phải chịu hai lần phí đường bộ phục vụ cho ngân sách (không tính phí qua trạm BOT). Nếu công bằng hơn, nhà nước nên trích một phần ngân sách (cũng là tiền thuế của dân) để bù hợp đồng, rồi dừng thu phí tại các trạm đã bán quyền thu ngay khi bắt đầu thu Quỹ bảo trì, như thế có lẽ sẽ công bằng hơn với các chủ phương tiện, tránh “phí chồng phí”.

Với trạm thu phí nhà nước đã bán quyền thu thì tiếp tục duy trì, còn với xe máy, do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố chưa bàn tới, nên chưa thực hiện thu từ 1/1, nhưng theo Thứ trưởng Trường: “Phí thu với xe máy có thể chậm lại đôi chút, có thể không thực hiện ngày từ 1/1, nhưng khi thực hiện có thể truy thu những tháng chưa thực hiện”.

Có lẽ không hợp lý lắm, khi các trạm thu phí bán quyền thì vẫn duy trì, còn xe máy chậm thực hiện do cơ quan nhà nước chưa bàn tới thì bị truy thu.

Nhân đây cũng phải nói thêm rằng, ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt các vùng dân tộc thiểu số, các tuyến đường phần lớn chỉ là đường đất, do người dân tự bỏ công sức để làm, nhiều con đường khi mưa xuống không thể đi lại được. Khi đường hỏng, người dân lại tự bỏ công sức để sửa chữa, nhưng vẫn phải đóng phí bảo trì.

Bà con tích góp cả đời mua được chiếc xe máy, có khi chỉ là con xe cũ để đi nương rẫy, chở nông sản sau thu hoạch về nhà, cả năm không một lần đi ra huyện, thành phố để có dịp sử dụng đường do nhà nước đầu tư.

Vậy mà, người dân các vùng đó vẫn phải nộp phí bảo trì để sửa đường ở tận đâu đâu, còn đường hằng ngày họ đi là của họ tự làm, hỏng tự sửa.

Dẫu biết rằng trong một chính sách đưa ra, sẽ không thể đòi hỏi công bằng cho tất cả, mà phải chọn lựa cái lợi cho đa số. Nhưng cũng mong các cơ quan quản lý có thể đưa ra những chính sách sao cho hợp lý nhất, hướng tới một sự công bằng nhất. Đặc biệt, khi những điều này không quá khó để thực hiện. Xin Bộ Giao thông Vận tải đừng "tận thu" từ dân như thế!

  • Nguyễn Công Dương (Thanh Xuân, Hà Nội)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn