Bộ Văn hóa: Lý Nhã Kỳ hoàn thành nhiệm vụ đại sứ

( PHUNUTODAY ) - Ngay khi bạn dùng từ “buôn kim cương” thì có vẻ như đã là thành kiến rồi đó.

Ông Trần Nhất Hoàng - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thể thao và Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch - chia sẻ với Phunutoday về những thành tích mà  Lý Nhã Kỳ đã đạt được sau khi được bổ nhiệm đại sứ đồng thời  thẳng thắn bày tỏ xung quanh dư luận trái chiều về việc diễn viên Lý Nhã Kỳ quảng bá du lịch Việt Nam hay cửa hàng kim cương của cô.
[links()]
PV: Sắp tròn 1 năm Lý Nhã Kỳ giữ chức Đại sứ du lịch VN, ông đánh giá hiệu quả hình ảnh mà Lý Nhã Kỳ đem lại cho ngành du lịch ra sao?

Ông Trần Nhất Hoàng: Thứ nhất phải khẳng định trong một năm vừa qua Lý Nhã Kỳ đã rất cố gắng, chủ động và hoàn thành tốt vai trò của Đại sứ Du lịch thực hiện việc quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Cụ thể, được đánh giá cao nhất là vào thời điểm chúng ta vận động cho Vịnh Hạ Long, Lý Nhã Kỳ đã đề xuất một chương trình hành động hiệu quả bên cạnh những hoạt động tuyên truyền lớn của Bộ VHTTDL phạm vi trong nước và quốc tế.

Lý Nhã Kỳ cũng tạo ra một kênh riêng, cá nhân đứng ra phối hợp với doanh nghiệp, vận động những đối tác nước ngoài để cùng tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho Vịnh Hạ Long.

Trong đó nổi bật là những chương trình quảng bá tại Hồng Kông, Đài Loan, Phillipinnes. Tại Phillipinnes, Lý Nhã Kỳ đã đến 1 hãng taxi lớn cùng với bạn bè đi tặng những chiếc áo phông, chụp ảnh, phát tờ rơi kêu gọi vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long.

Trong cùng thời gian ấy, tại Việt Nam, Lý Nhã Kỳ đã đi đến rất nhiều trường học như Đại học Cần Thơ, Cao đẳng Du lịch, đại học Raffels,  hay tham gia các buổi đi đạp xe đạp vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long...  Sự xuất hiện của Lý Nhã Kỳ đã làm cho các hoạt động trở nên xã hội hơn và tạo hiệu ứng tốt. Kết quả đã rõ, chúng ta đã đưa Vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên Mới Thế giới, phải nói Lý Nhã Kỳ đã góp một phần ý nghĩa cho chiến dịch.

Một trong những chủ trương lớn của Nhà nước là xã hội hóa việc quảng bá hình ảnh quốc gia với sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Lý Nhã Kỳ đã chủ động và tích cực thực hiện tốt công tác này. Cụ thể, Lý Nhã Kỳ đã vận động xã hội hóa để phối hợp cùng Bộ VHTTDL tổ chức chương trình quảng bá du lịch lớn tại Hồng Kông từ ngày 26-29/6/2012 vừa qua.

Lý Nhã Kỳ đóng vai trò cầu nối các bên và chủ động đi vận động các nguồn tài trợ và tự trang trải một phần lớn các khoản chi. Có thể nói hoạt động đã kết thúc hành công và mở ra hướng mới trong tương lai việc vận động xã hội hóa trong công tác quảng bá du lịch.

Thứ hai, dù là người của công chúng với bộn bề công việc nhưng Lý Nhã Kỳ đã dành rất nhiều thời gian cho công tác làm đại sứ du lịch của mình. Đặc biệt trong giai đoạn bầu chọn cho Vịnh Hạ Long, cô đã gần như không bỏ lỡ bất cứ kế hoạch hành động nào, đó là một trong những điểm cộng rất lớn cho nhiệm kỳ mà Kỳ vừa trải qua.

Thứ ba, Lý Nhã Kỳ có lợi thế về khả năng ngôn ngữ và sự chủ động trong việc trau dồi kiến thức cơ bản về quảng bá du lịch, cho phép Kỳ tự tin trước bạn bè quốc tế hoặc trong những diễn đàn quốc tế, đồng thời sự tự tin và năng động đó giúp truyền đi thông điệp về khả năng hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam với thế giới.

 

Ông Trần Nhất Hoàng. Ảnh: PL
Ông Trần Nhất Hoàng. Ảnh: PL


PV: Theo ông, Đại sứ du lịch đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ của mình với mức độ thế nào?

Ông Trần Nhất Hoàng: Bộ cũng đã đặt ra nhiều kỳ vọng cho vai trò người làm đại sứ du lịch đầu tiên của Việt Nam tuy nhiên vì là đầu tiên nên có thể nói không quá lớn.

Vạn sự khởi đầu nan, những người mở đường là những người khó khăn cho nên theo tôi Lý Nhã Kỳ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Nói công bằng, so với kỳ vọng của công chúng thì Đại sứ du lịch còn phải rèn luyện thêm nữa. Vậy là lại thêm áp lực cho người thực hiện vai trò này ở nhiệm kỳ tiếp theo.

Từ khi đảm nhiệm đại sứ du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ cũng chưa nhận lương với vai trò này. Ví dụ, những chương trình vận động bình chọn cho Vịnh Hạ Long ở nước ngoài do Lý Nhã Kỳ chủ động đề xuất và thực hiện. Các khoản trang trải nhiều khi là không nhỏ nhưng Kỳ đều không có bất cứ đòi hỏi nào. Đó là những cống hiến vô tư và đáng ghi nhận.

PV: Với ví trí Đại sứ Du lịch Việt Nam , Bộ có quy định nào về giữ sạch hình ảnh của cô ấy như một đại diện của  đất nước Việt Nam?

Ông Trần Nhất Hoàng:  Là cơ quan quản lý các hoạt động của Đại sứ Du lịch, chúng tôi thường xuyên trao đổi và hướng dẫn nội dung cho Lý Nhã Kỳ và có những hình thức giám sát công việc của cô ấy. Qua báo chí cũng là một kênh tốt.

Ví dụ lần sang Philippines tham dự buổi lễ đón bằng chứng nhận cho thắng cảnh nước bạn thì chúng tôi đề xuất Kỳ nên mặc áo dài Việt Nam, áo dài Việt Nam cũng như một hình ảnh đại diện của phụ nữ Việt Nam. Truyền thông sẽ chú ý vào nhân vật khách mời quốc tế, đó là một cơ hội quáng bá cho ta.

Và trong những cuộc gặp gỡ trao đổi quốc tế, chúng tôi cũng hướng Kỳ thực hiện tốt phần giới thiệu vẻ đẹp đất nước, ví dụ như Việt Nam là một đất nước thân thiện, mến khách, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, và có nhiều di sản thiên nhiên được thế giới công nhận, có những bãi biển đẹp và những món ăn ngon.

Ngoài ra là các tiêu chuẩn rất là cao về văn hóa ứng xử, Lý Nhã Kỳ thể hiện rất tốt điều đó.

Việc có những điều không mong muốn xảy ra là chuyện khó tránh khỏi, tuy nhiên với vai trò là Đại sứ du lịch cần tiếp cận theo hướng tích cực để đảm bảo hình ảnh quốc gia và hài hòa các mối quan hệ.

PV: Thời gian gần đây, công chúng có ý kiến cho rằng Lý Nhã Kỳ như một nhà buôn bán kim cương hơn là một đại sứ du lịch Việt Nam và cô ấy cũng đăng đàn nói công khai chuyện này trên báo. Ông đánh giá hoạt động của Lý Nhã Kỳ như thế nào?

Ông Trần Nhất Hoàng: Tôi xin không bình luận nhiều về những khai thác khác với những hoạt động quảng bá du lịch.

Tuy nhiên, là người có nhiều trao đổi với Kỳ tôi thấy rằng Lý Nhã Kỳ là một người rất có tâm trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, và tôi hy vọng mọi người sẽ hướng sự chú ý sang những khía cạnh tích cực, khách quan hơn.

Ngay khi bạn dùng từ “buôn kim cương” thì có vẻ như đã là thành kiến rồi đó.

Lý Nhã Kỳ là phụ nữ và người của công chúng, cô ấy yêu thích đồ trang sức và muốn chia sẻ với mọi người, có vẻ như mọi người lại khá chú ý khía cạnh này nhưng khi nâng lên thành thông điệp thì có vẻ là cực đoan.

Đôi khi hãy nhìn đó như là một sở thích hoặc là một lĩnh vực kinh doanh.

Đôi khi, chính nhờ kinh doanh thành đạt mà Lý Nhã Kỳ đã góp nhiều hơn cho xã hội như các hoạt động từ thiện mà mọi người đã thấy.
 

Lý Nhã Kỳ trong vài trò Đại sứ du lịch Việt Nam
Lý Nhã Kỳ trong vài trò Đại sứ du lịch Việt Nam



PV: Một số ý nói rằng, thông điệp nhan sắc của Lý Nhã Kỳ không hợp với vẻ đẹp bất tận như slogan của ngành du lịch Việt Nam đưa ra. Ông thấy ý kiến đó như thế nào?

Ông Trần Nhất Hoàng: Thực ra, tôi thấy đây là khái niệm định tính, thật khó để nói một cách chính xác về nội dung này.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng, khi bạn lớn lên ở Việt Nam, bạn hưởng nền giáo dục Việt Nam, bạn ăn cơm Việt Nam, tiếp xúc với con người Việt Nam và chịu sự ràng buộc bởi những giá trị xã hội Việt Nam, thì bạn đã đang mang một tâm hồn Việt Nam và tinh thần Việt Nam, người nước ngoài sẽ nhận ra bạn là người Việt Nam.

PV: Nếu hoạt động quảng bá thương mại tốt, thực tế thời gian qua là như thế, vậy vai trò đại sứ du lịch có lấn sân sang... đại sứ xúc tiến thương mại không, thưa ông?

Ông Trần Nhất Hoàng:  Theo tôi việc này không mang tính “lấn sân” hay “loại trừ” nhau đâu.

Trong hoàn cảnh, chúng ta không có nhiều hoạt động quáng bá nói chung ở nước ngoài, do vậy trong một hoạt động xúc tiến du lịch, ngoài việc đưa ra thông điệp quảng bá du lịch về đất nước, con người, thiên nhiên v.v... một thông điệp về chính sách đầu tư thông thoáng, đất nước Việt Nam có nền chính trị, xã hội ổn định... đó là thông điệp về xúc tiến thương mại đấy chứ... điều đó là tốt cho quốc gia.

PV: Thông thường, khi giữ cương vị đại sứ du lịch thì có kèm theo quy định hoạt động và đánh giá hiệu quả cụ thể không, hay chỉ hết thời hạn thì tiếp tục giữ vị trí hoặc tìm người thay thế, thưa ông?

Ông Trần Nhất Hoàng:  Sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ du lịch, Bộ sẽ có những đánh giá nhận xét và rút kinh nghiệm, cùng xem điểm gì mình cần phát huy, điểm gì cần phải rút kinh nghiệm và sẽ tiến hành tìm kiếm, bổ nhiệm một người đại sứ du lịch nhiệm kỳ mới.

Lý Nhã Kỳ vì du lịch Việt Nam hay buôn bán...nữ trang?


Phạm Lý

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn