Các mẹ lưu ý khi bé bị nhiễm khuẩn từ sữa

( PHUNUTODAY ) - “Việc uống sữa nhiễm khuẩn hậu quả đầu tiên có thể là bị ngộ độc, cần phải đưa đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời, có trường hợp ngộ độc nặng có thể dẫn tới tử vong”, bác sỹ Tuyết cảnh báo.

“Việc uống sữa nhiễm khuẩn hậu quả đầu tiên có thể là bị ngộ độc, có biểu hiện như nôn, đau bụng, đầu choáng váng, đi ngoài… lúc đó phải đưa đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời. Có nhiều trường hợp ngộ độc nặng có thể dẫn tới tử vong chứ không hề đơn giản”, bác sĩ Tuyết cảnh báo.
[links()]
Thời gian gần đây, Ban bảo vệ người tiêu dùng báo Phunutoday liên tục nhận được phản ánh của khách hàng về việc sữa tiệt trùng Cô gái Hà Lan (Dutch Laday) của Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam sản xuất bị nhiễm khuẩn.

Để hiểu rõ hơn những nguy cơ và cách phòng tránh, chúng tôi có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Bác sĩ Chu Thị Tuyết, Trung tâm Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

PV - Thưa bác sĩ, với trường hợp sữa nhiễm khuẩn, phía nhà sản xuất chỉ thông báo với khách hàng sữa bị nhiễm khuẩn chứ không nói rõ sữa bị khuẩn gì, theo bác sĩ với những người uống phải sữa nhiễm khuẩn sẽ có khả năng gặp phải những bệnh gì, biểu hiện như thế nào?

Bac-sy-Chu-Thi-Tuyet-Trung-tam-dinh-duong-benh-vien-Bach-Mai-Phunutoday.vn
Thạc sỹ, Bác sỹ Chu Thị Tuyết, Trung tâm Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Thạc sĩ, Bác sĩ Chu Thị Tuyết: Sữa nhiễm khuẩn có nhiều nguyên nhân, cũng có thể trong quá trình sản xuất do vệ sinh không đảm bảo làm sữa bị nhiễm khuẩn; sữa để quá hạn sử dụng bị lên men; có thể do bảo quản không tốt cũng làm sữa bị nhiễm khuẩn…

Sữa là môi trường rất tốt cho rất nhiều loại vi khuẩn xâm nhập và phát triển, điển hình là khuẩn E.coli (gây tiêu chảy cấp – PV), và nhiều vi khuẩn khác, để biết cụ thể phải đem sữa đi xét nghiệm xem loại gì.

Còn việc uống sữa nhiễm khuẩn thì hậu quả nhiều người cũng biết. Cái đầu tiên có thể bị ngộ độc, biểu hiện như nôn, đau bụng, đầu choáng váng, đi ngoài… lúc đấy phải đưa đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.

Có nhiều trường hợp ngộ độc nặng có thể dẫn tới tử vong chứ không hề đơn giản. Một trong những tai biến thường gặp là rối loạn nước và điện giải, trụy mạch…

PV - Còn hậu quả về lâu dài với sức khỏe trẻ em sẽ thế nào?

Thạc sĩ, Bác sĩ Chu Thị Tuyết: Nếu uống lâu dài có thể gây ngộ độc mãn tính, vì sữa bị nhiễm khuẩn có độc tố khi uống vào sẽ tích tụ lâu trong cơ thể ảnh hưởng tới một số cơ quan gây các bệnh cấp tính, như tiêu chảy mãn tính làm khả năng hấp thụ chất của cơ thể kém đi…

Còn bệnh cụ thể phải kiểm tra những chất, thành phần trong sữa có đúng không, như chì có bị quá không, hoặc một số hóa chất khác không đảm bảo…

PV - Có một số khách hàng phản ánh hộp sữa nước Cô gái Hà Lan bị phồng, có vị đắng, chua… khi phóng viên hỏi lại, nhà sản xuất có giải thích “sẽ không ai uống phải sữa hỏng, vì nếu có uống phải sẽ thấy vị đắng, chua và nôn ra theo phản xạ tự nhiên, nếu không may có uống phải một, hai ngụm cũng không sao”, theo bác sĩ cách giải thích như vậy có thỏa đáng không về mặt đạo đức?

Thạc sĩ, Bác sĩ Chu Thị Tuyết: Tôi thấy giải thích như vậy không thỏa đáng. Không phải ai uống phải vị đắng, chua cũng nôn ra. Có một số trẻ rất thích chua chẳng hạn, hay như sữa chua lại rất kích thích trẻ ăn.

Nếu sữa hỏng người lớn uống còn cảm nhận được vị đắng, chua để không uống nữa, chứ trẻ con nó bé chưa biết cảm nhận gì cả, bố mẹ lại cứ bắt nó uống là nó uống, chứ đâu biết sữa thế nào.

Nên trước khi sử dụng phải kiểm tra kỹ. Gặp sữa như thế tốt nhất không nên dùng.

Hop-sua-Co-gai-Ha-Lan-tu-cang-phong-va-no-Phunutoday
Nếu không may bị ngộ độc vì uống phải sữa nhiễm khuẩn, người tiêu dùng cần tới ngay các cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời, vì có một số trường hợp ngộ độc nặng có thể dẫn tới tử vong.

PV - Khi khách hàng phản ánh sữa bị nhuẫn khuẩn, nhà sản xuất tới lấy mẫu hộp sữa; sau đó có trả lời bằng văn bản sữa bị nhiễm khuẩn và nguyên nhân nhiễm, không thông báo sữa bị nhiễm khuẩn gì, theo bác sĩ cách trả lời như vậy có giúp giải quyết hậu quả không đặc biệt là trường hợp trẻ em dùng sữa này?

Thạc sĩ, Bác sĩ Chu Thị Tuyết: Khi trả lời khách hàng về hộp sữa bị nhiễm khuẩn, nhà sản xuất nên thông báo rõ sữa bị nhiễm khuẩn gì, chứ không thể nói là nhiễm khuẩn chung chung vậy.

Thông báo để người tiêu dùng còn biết khuẩn đấy phổ biến hay hiếm gặp, và nếu có vấn đề gì ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân, có thể nói cho bác sỹ biết để đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp, phản ứng kịp thời.

Nếu nói chung chung vậy, khi bệnh nhân phải nhập viện các bác sỹ phải đi xét nghiệm lại, mất thêm thời gian trong trường hợp ngộ độc nặng thì việc xử lý sẽ khó khăn hơn.

PV - Bác sĩ thường gặp trường hợp trẻ bị ngộ độc sữa như thế nào?

Thạc sĩ, Bác sĩ Chu Thị Tuyết: Ngộ độc đến mức nguy hiểm tới tính mạng phải đi cấp cứu thì tôi chưa gặp, nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp một vài trường hợp ngộ độc sữa ở mức nhẹ, như đau bụng, đi ngoài, nôn mửa…

PV - Bác sĩ có những tư vấn gì với các bậc phụ huynh khi dùng sữa cho con để đảm bảo an toàn?

Thạc sĩ, Bác sĩ Chu Thị Tuyết: Về lựa chọn sữa, các gia đình nên lựa chọn sản phẩm theo túi tiền của mình, không cứ đắt tiền, nhập ngoại đã là tốt. Giờ sữa nội cũng rất tốt.

Còn sữa xách tay càng khuyên không nên dùng, vì loại sữa này không có cơ quan chức năng nào của Việt Nam kiểm định, thành phần có gì đâu ai biết, khi có vấn đề ai chịu trách nhiệm… Nên dùng sữa nhập đường chính ngạch.
 
Khi đi mua sữa phải để ý kỹ ngày sản xuất, hạn sử dụng, hãng sản xuất, cách bảo quản của các cửa hàng.

Khi cho trẻ uống sữa nếu có thừa phải bảo quản trong tủ lạnh, thời gian bảo quản tùy từng loại sữa, nên đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì của sản phẩm, nhưng không nên để quá lâu. Khi cho bé uống sữa nước người lớn cần nếm thử trước, nếu thấy sữa không có gì khác lạ mới cho trẻ uống.

Xin cảm ơn bác sĩ!
 

Phó Cục trưởng:Sữa Cô gái Hà Lan nói không chấp nhận được!
  • Lê Việt (thực hiện)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn