Ngày 01/7/2024 là thời điểm cả nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong khu vực công theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên dư luận xuất hiện nhiều dự đoán. Nhiều người quan tâm 05 đối tượng được tăng mức lương lên 30% từ 1/7/2024 là ai?
Từ 1/7/2024, 05 đối tượng được tăng mức lương lên 30% là ai?
Nghị quyết 104/2023/QH15 nêu rõ, chính thức từ ngày 01/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018. Theo thông tin Bộ trưởng Bộ Nội vụ, từ 1/7 tới đây, dự kiến sẽ tăng mức lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Hơn nữa, từ năm 2025, tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương bình quân hàng năm thêm khoảng 7%/năm.
Như vậy, theo dự kiến, từ 1/7/2024 chỉ tăng mức lương bình quân chung lên khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và các khoản phụ cấp) cho 05 đối tượng bao gồm:
- Cán bộ;
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo;
- Công chức không giữ chức danh lãnh đạo;
- Viên chức giữ chức vụ lãnh đạo;
- Viên chức không giữ chức danh lãnh đạo;
Cách tính lương của cán bộ công chức viên chức từ 1/7/2024
Hiện nay, chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Ngoài ra, có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác nên việc cải cách tiền lương là một việc cần được giải quyết cấp thiết và triệt để.
Căn cứ Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm:
- Lương cơ bản
- Các khoản phụ cấp
- Thưởng (nếu có)
Trong đó lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương.
Cải cách tiền lương có điểm mới đó là sẽ có 5 khoản phụ cấp sau sẽ bị bãi bỏ:
+ Phụ cấp thâm niên nghề của tất cả các nghề chỉ trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức;
+ Phụ cấp chức vụ lãnh đạo bởi các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ;
+ Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội;
+ Phụ cấp công vụ bởi phụ cấp này đã đưa vào trong mức lương cơ bản;
+ Phụ cấp độc hại, nguy hiểm do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề.
Vì vậy, một số ngành nghề lo ngại khi cải cách tiền lương thì thu nhập của họ sẽ bị giảm đi. Tuy nhiên, tại tiết 3.1, tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định nội dung cải cách tiền lương sẽ xây dựng bảng lương mới thay thế hệ thống bảng lương hiện hành và bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng nên người lao động hoàn toàn có thể yên tâm.