Ecoli trong rau củ quả tại Việt Nam là bình thường!

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trước tình hình khuẩn E. Coli trong rau củ ở các nước châu Âu ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết: “Ở VN, trong tiêu chuẩn rau an toàn có quy định mức cho phép khuẩn E.Coli..."


Sáng nay (13/6) trao đổi với Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Hiện tai, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã và đang tiếp tục kiểm soát giá đỗ, một số rau củ quả xem có nhiễm chủng E.Coli từ châu Âu hay không. Về phía Cục BVTV, bắt đầu từ 1/7, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm soát toàn bộ các mặt hàng nông sản nhập khẩu vào VN theo Luật An toàn thực phẩm.

Theo ông thì “Ở VN, trong tiêu chuẩn rau an toàn có quy định mức cho phép khuẩn E.Coli. Khi mức E.Coli vượt quá quy định sẽ không được công nhận là sản phẩm an toàn nữa.”. Vậy, khuẩn ecoli trên rau củ quả quy định như thế nào? Giới hạn cho phép là an toàn đối với người tiêu dùng?

Rau củ quả ở Việt Nam
Khuẩn E.Coli trên có trên rau quả trong nước là khá phổ biến.

Ông Nguyễn Xuân Hồng: - Mức độ cho phép ecoli  trên rau an toàn được phân loại đối với các loại rau ăn sống hay rau nấu chín. Về Quy định hạn mức cho phép khuẩn ecoli trên rau củ quả của Việt Nam đã được quy định trên Danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép về ATVSTP đối với sản phẩm, thực phẩm nhập khẩu và lưu thông trong nước, ban hành kèm theo thông tư 68/2010/TT BNNPTNT ngày 3/10/2010 do Bộ Trưởng Cao Đức Phát ký ban hành.

Cụ thể đối với rau ăn sống, mức độ khuẩn ecoli ở mức giới hạn dưới là 1.102cfu/g, mức giới hạn trên ở mức 1.103 cfu/g. Nếu các các mẫu rau ăn sống đạt kết quả kiểm nghiệm ở mức giới hạn dưới 100cfu/g được gọi là đạt tiêu chuẩn an toàn. Mức bằng 100cfu/g được gọi là tạm chấp nhận, còn trên 100 -1000cfu/g  là không an toàn.
gia-do.jpg
Giá đậu ở bang Lower Saxony (miền bắc Đức) mới chính là nguồn lây nhiễm dịch vi khuẩn tả E. Coli hoành hành ở châu Âu từ năm tuần qua.

Đối với rau họ cải, rau ăn quả, trừ nấm và cà chua, mức độ kim loại chì (Pb) cho phép là 0,1mg/kg, cadimi cho phép là 0,05 mg/kg. Rau ăn lá mức độ kim loại chì (Pb )cho phép là 0,3mg/kg,  Cadimi cho phép là 0,2mg/kg. Đối với rau họ đỗ mức độ (Pb) là 0,2, mức cadimi là 0,1mg/kg. Đối với rau ăn củ và rễ mức Pb cho phép là 0,1 và Cadimi cho phép là 0,1mg/kg (trừ khoai tây và hành tây chưa bóc vỏ). Đối với rau ăn thân mức Cadimi cho phép là 0,1mg/kg...

Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ các loại chủng khác nhau của khuẩn E.Coli. Mỗi loại chủng E. Coli có độc lực khác nhau. Chủng đã và đang xuất hiện ở các nước châu Âu là loại chủng có độc lực cao, dễ dẫn đến tử vong cho người tiêu dùng. Ở VN, chủng này chưa từng xuất hiện.


Ông Nguyễn Xuân Hồng: - Việc kiểm tra kiểm soát nguồn lây nhiễm khuẩn tại các cửa khẩu Quốc tế và sân bay đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu.

Có 02 phương thức kiểm tra, lấy mẫu được áp dụng để kiểm tra ATTP đối với hàng hóa là: Kiểm tra thông thường (thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất tối đa đến 10% tùy theo mức độ rủi ro của hàng hóa) và Kiểm tra chặt (thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất 30% khi phát hiện 01 lô hàng kiểm tra trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP; tần suất 100% khi phát hiện 02 lô hàng kiểm tra liên tiếp trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP).

- Để ngăn ngừa sự lây truyền khuẩn Ecoli cực độc từ Châu Âu và một số chủng ecoli đã có tại Việt Nam không phát triển thành dịch và tránh gây bệnh khi dùng thực phẩm tươi sống, ông có khuyến cáo đối với người tiêu dùng thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Hồng: - Hiện nay chúng ta mới chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng này sang các nước châu Âu, còn nhập khẩu thì rất ít, thậm chí một số mặt hàng nông sản chúng ta chưa bao giờ nhập vì giá của các loại nông sản có nguồn gốc từ EU rất đắt, không phù hợp với “túi tiền” của người tiêu dùng nước ta. Cho nên thời điểm này người tiêu dùng đừng quá hoang mang và có thể yên tâm khi sử dụng các mặt hàng nông sản.

Còn đối với một số người đi du lịch  tại các nước EU mang hàng hóa xách tay về dùng thì nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc, kiểm định rõ ràng. Đặc biệt, người dân nên thực hiện ăn chín uống sôi để tránh lây nhiễm vi khuẩn trong thời tiết mùa hè này, vì nếu ăn sống, ăn tái thì không chỉ có ci khuẩn ecoli mà còn rất nhiều loại vi sinh vật khác có thể gây bệnh nguy hiểm.

* Những mặt hàng nông sản như rau củ ở nước ta ít nhập khẩu về nhưng các mặt hàng thực phẩm tươi sống thì chúng ta vẫn nhập từ châu Âu về sử dụng vậy việc kiểm soát như thế nào? Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hào-  Cục Phó Cục quản lý chất lượng Nông -lâm -thủy sản- Bộ NNPTNT cho biết:

Ông Nguyễn Hữu Hào - Cục Phó Cục Quản lý chất lượng nông sản -  Bộ NNPTNT: Theo thông tư 25/2010 của Bộ NNPTNT ký ngày 1/9/2010 thì tất cả các loại thực phẩm tươi sống muốn nhập khẩu vào Việt Nam thì phải làm thủ tục đăng ký thẩm quyền đối với Việt Nam. Cụ thể là có hồ sơ đăng ký tại Cục quản lý chất lượng Nông Lâm – thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và Thủy sản phối hợp với Cục Thú y phối hợp, các trạm kiểm dịch động vật nhập khẩu, kết hợp với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra, lấy mẫu phân tích chỉ tiêu VSATTP trước khi đưa ra thị trường.

Việc kiểm tra khuẩn Ecoli cực độc hiện tại Cục Quản lý chất lượng nông sản vẫn chưa phát hiện trên các thực phẩm tươi sống là động vật dưới nước hay trên cạn tại Việt Nam. Khuẩn ecoli cực độc ở  các nước EU thì mới được nghi ngờ và khoanh vùng trên các loại rau củ quả nhập khẩu, đặc biệt đối với dưa chuột, cà chua, giá đỗ. Theo tôi được biết thì việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản như rau sống từ châu Âu về Việt Nam thì rất ít vì chi phí vận chuyển, thời hạn sử dụng và kinh phí rất cao nên cũng không phù hợp với túi tiền của người Việt Nam. Nếu có nhập thì cũng chỉ nhập một số loại hoa quả nước ngoài. Hiện tại thì Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cũng đang tiến hành kiểm tra kiểm soát đôi với các mẫu nông sản nhập khẩu tại sân bay và các nhà hàng quán ăn để phát hiện và ngăn ngừa chủng vi khuẩn ecoli cực độc đó.
  • Tuệ Linh
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn