Tận thu gỗ từ nhà dân đến rừng giàu

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nạn tận thu gỗ trên rừng lại chưa giải quyết được thì giờ người Việt xót xa nhìn gỗ trong nhà dân cũng mọc cánh bay ra khỏi buôn làng.

Bài viết trên báo Thanh niên cho hay, căn nhà của ông Vi Quốc Chấn ở thôn Tam Lập, xã Ea Tam, H.Krông Năng (Đắk Lắk) giờ chỉ thu nhỏ xập xệ khoảng 20 m2, làm nơi chen chúc ở tạm cho 5 người trong gia đình. Ông Chấn cho biết hai tháng trước, có người tìm đến gạ mua, ông đồng ý tháo gần 20 cây cột gỗ trắc trong ngôi nhà lớn đang ở bán được 700 triệu đồng.

Dạo quanh các thôn Tam Lập, Tam An, Tam Phong, Tam Thịnh... dễ dàng nhận thấy khá nhiều căn nhà tạm lụp xụp tương tự nhà ông Chấn. Chủ nhân những ngôi nhà này đều vừa dỡ nhà lấy gỗ trắc đem bán. Anh N., người chuyên môi giới mua bán gỗ trắc ở Ea Tam, đã tiết lộ cho chúng tôi giá bán thực của những ngôi nhà cũ. Theo đó, nhà ông Đinh Thiện Sĩ  (thôn Tam Lập) được bán 1,25 tỉ đồng; nhà các hộ Triệu Văn Thịnh (thôn Tam Lập), Hoàng Văn Đông (thôn Tam An) đều có giá 1 tỉ. Khoảng chục nhà bán với giá từ 800-900 triệu đồng, còn 600-700 triệu thì anh N. “không nhớ hết”…

Bất cứ cái gì bằng gỗ trắc cũng đều bán được theo cân ký, cột gỗ đường kính dưới 15 cm có giá khoảng 800.000 đồng/kg; còn trên 15 cm có thể lên tới 1,5 triệu đồng/kg; thậm chí chuồng trâu, trụ tiêu, cọc tường rào, máng heo làm bằng gỗ trắc cũng bán được khối tiền. “Người mua chủ yếu đến từ các tỉnh ngoài, mình cũng không biết họ mua gỗ trắc làm gì, chỉ nghe được xuất sang Trung Quốc. Có thời điểm người Trung Quốc cũng vào tận đây xem hàng. Nghe nói ra khỏi địa bàn tỉnh, giá gỗ trắc cao hơn nhiều so với mua tại đây”, anh N. nói.

Tình trạng người dân dỡ nhà đi bán gỗ đang diễn ra rất nhiều nơi

Cơn sốt gỗ trắc cũng làm nảy sinh nạn trộm cắp ở vùng quê vốn yên bình này. Cách đây một tháng, nhà ông Đinh Thiện Tú ở gần trụ sở UBND xã có cây gỗ trắc dài 4 m sau hè, ban đêm xích chó canh giữ nhưng vẫn bị trộm đánh bả chó, xịt thuốc mê vào nhà, khuân cây gỗ đi lúc nào không biết…   

Nạn tận thu gỗ trên rừng lại chưa giải quyết được thì giờ người Việt xót xa nhìn gỗ trong nhà dân cũng mọc cánh bay ra khỏi buôn làng. Mới đây, TTXVN có hàng loạt bài viết về tình trạng hô biến rừng giàu thành rừng nghèo để tận thu gỗ chuyển đổi sang trồng cây cao su, cây công nghiệp khác.

Những cảnh rừng già xanh tốt ở Tây Nguyên đang dần bị xóa sổ thay thế bằng những cánh đồng cao su hàng thẳng tắp, đất sạch cỏ...

Tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng cả cánh rừng bạt ngàn cây gỗ quý nằm đối diện Ủy ban nhân dân xã Lộc Bảo, cách đây vài năm còn bạt ngàn màu xanh, nay đã bị chặt hạ, đốt gốc, gỗ vứt ngổn ngang hai bên lề đường.

Cũng như Lâm Đồng, tình trạng lập dự án khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng cao su nhưng thực chất để lấn chiếm rừng, khai thác gỗ cũng xảy ra tương tự tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai.

Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã chuyển đổi hàng trăm ngàn hécta rừng để trồng cao su theo chủ trương của Chính phủ. Nhưng điều đáng buồn ở đây, nhiều doanh nghiệp không chuyển đổi rừng nghèo mà tập trung chuyển đổi rừng giàu.

Nếu cứ để tình trạng "chảy máu" gỗ quý ở Việt Nam ra nước ngoài, tài nguyên này dần cạn kiệt thì đến một ngày nào đó câu chuyện nhập khẩu gỗ - than với giá đắt đỏ sẽ rơi xuống thế hệ con cháu Việt Nam.

Hiện nay, người việt xót xa thay vì "cái gì ngon, con nào béo" đều được tận thu để bán ra nước ngoài rồi người Việt vì nghèo lại nhập khẩu những thứ rẻ tiền, kém an toàn từ Trung Quốc về dùng. Vậy mà có một báo cáo nào đó xếp Việt Nam vào nước hạnh phúc nhất thế giới. Không biết phải dùng từ ngữ nào để nói đến niềm hạnh phúc trong nghèo đói này. Rừng vàng biển bạc ngày nào giờ đây đã thành nỗi ám ảnh của người dân khi lũ quét, bão gió ngày càng nhiều hơn.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn