Thông gia và những mối lương duyên kỳ lạ

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Không phủ nhận, với cương vị quản giáo - phạm nhân, ông Thức có sự thương cảm đối với Trạm, nhưng để làm thông gia với một người đã từng đi tù thì ông không muốn chút nào, nhất là đối với một gia đình gia giáo như gia đình ông.

(Phunutoday) - Thông gia là đồng đội cũ…Đẹp trai, học giỏi, con nhà khá giả, Hoàng là mẫu người đàn ông trong mơ của biết bao cô gái và là niềm tự hào của dòng họ Nguyễn danh giá. Chính bởi vậy, khi nghe tin Hoàng tuyên bố đã yêu và muốn cưới một cô gái dân tộc làm vợ, bà con dân phố và cả dòng họ Nguyễn đều bàng hoàng sửng sốt. Không ít người ác mồm ác miệng còn bảo chắc anh bị trúng bùa yêu.  
Làm việc trong một tổ chức phi chính phủ, là người mang những dự án tài trợ của các tổ chức trên thế giới tới các địa phương nghèo đồng nghĩa với việc Hoàng thường xuyên phải đi công tác xa nhà. Chuyến công tác 3 tháng đóng đô tại một bản ở Tuyên Quang đã tạo nên bước ngoặt lớn của cuộc đời anh.
 
Cũng chính tại đây, Hoàng đã bị Mai - cô gái dân tộc Tày, một cô giáo xinh đẹp, dịu dàng có tiếng trong bản hớp hồn. Quãng thời gian gần 3 tháng tuy không nhiều, nhưng với những gì trái tim mình cảm nhận - Hoàng mạnh dạn về thông báo với cả gia đình và tuyên bố sẽ cưới Mai ngay trong năm.
 
Bố mẹ Hoàng sau khi nghe con trai thông báo mà như sét đánh ngang tai. Ông bà đâu có thể ngờ cậu quý tử yêu quý lại muốn cưới một cô gái dân tộc làm vợ. Biết tính Hoàng đã quyết việc gì thì khó mà ngăn cản được, bố mẹ Hoàng nghĩ cách tác động để khiến gia đình cô gái phải rút lui trước.
 
Sau khi đã tính kỹ đường đi nước bước, bố mẹ Hoàng nhờ ông chú cùng một vài người họ hàng lên thẳng Tuyên Quang, họ nghĩ sẽ dễ dàng dùng tiền và một vài lời khiếm nhã để bắt gia đình Mai phải thoái hôn. Nhưng mọi việc diễn biến ngoài sự tính toán của họ, ông Miện - bố của Mai nhất quyết không nhận tiền, không nói chuyện với họ và nhắn nhủ chỉ đồng ý rút lui khi bố mẹ Hoàng và Hoàng phải trực tiếp lên nói chuyện. Cực chẳng đã, bố mẹ Hoàng đành tự mình thuê xe đến gặp “nhà gái”.
 
Không khí mát lạnh của tỉnh vùng cao không làm nguôi đi cơn giận dữ của bố mẹ Hoàng. Hai ông bà sừng sực muốn gặp ngay “nhà gái” để làm ra ngô ra khoai. Thế nhưng, vừa bước vào nhà, ông Huy - bố Hoàng sau một vài giây ngờ ngợ, chợt thấy sững người khi nhận ra ông Miện không phải ai khác chính là người đồng đội ngày xưa đã cứu sống mình trong một lần bị thương nặng ở biên giới. Rất nhiều lần ông muốn tìm lại người đồng đội xưa để cảm ơn nhưng ông không thể có tin tức gì, bây giờ ông Miện bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt, ông làm sao có thể tức giận được chứ?
 
Nhưng trái ngược với niềm vui của ông Huy, ông Miện sau giây phút thoáng ngạc nhiên tỏ ra bình tĩnh đến kỳ lạ. Ông không hồ hởi, chỉ thờ ơ chào hỏi vợ chồng ông Huy với thái độ rất khách sáo. Dường như ông đã có sự chuẩn bị từ trước, mọi lời nói, cử chỉ của ông đều có vẻ hờn dỗi và cố tỏ ra không quen biết ông Huy: “Mời cán bộ vào nhà uống nước, chẳng hay cán bộ đến nhà tôi chơi có chuyện gì không?”; “Thú thực với cán bộ, tôi bây giờ già rồi, trí nhớ không minh mẫn, tôi cũng chẳng nhớ gì đến đồng đội cũ, cũng không nhớ là mình đã cứu mạng ai cả, cán bộ nhận lầm người rồi”;
 
Khi ông Huy bàn chuyện cưới hỏi của hai đứa, ông Miện nhất định không đồng ý: “Tôi rất ưng cái bụng thằng Hoàng, nó là người mang nước sạch, mang thuốc đến cho người dân nơi đây, nhưng đũa mốc không dám chòi mâm son, chúng tôi đâu dám làm thông gia với nhà cán bộ…”
 
Từ người chủ động, vợ chồng ông Huy rơi vào thế bị động, họ chính là người phải cầu xin ông Miện để ông đồng ý gả con gái cho con trai mình.
 
Vợ chồng ông Huy khổ sở với “thông gia” khi họ bắt hai ông bà đi lên năm lần bảy lượt, mà đường từ nhà ông lên Tuyên Quang quá xa xôi cách trở. Có khi nhận được điện thoại từ ông Miện, khi gia đình ông Huy lên đến nơi thì ông Miện đã đi vắng, liên lạc thì không được vì ông Miện làm gì có điện thoại di động. Có khi đợi cả ngày trời mà ông Miện đi rừng chưa về, hai vợ chồng ông đành lủi thủi về thành phố.
 
Lần khác, ông Huy cùng con trai bị chúc rượu cho say túy lúy, vừa bị bệnh đau dạ dày hành hạ, vừa không uống được rượu nhưng để cho phải phép ông phải uống hết bát rượu này đến bát rượu khác. Có khi về nhà mấy hôm ông vẫn còn chưa tỉnh rượu.
 
Ông bà đem bất kỳ món quà nào ông Miện đều nhất định không nhận.
 
Hôm nay ông Miện lại nhắn ông Huy lên có việc, hai vợ chồng ông lại sửa soạn quần áo tươm tất. Lên tới nơi, ông thấy ngạc nhiên khi ông Miện đã chuẩn bị sẵn mâm cơm thịnh soạn, khuôn mặt ông niềm nở khác hẳn thái độ lạnh lùng trước đây:
 
“Thú thực, tôi nhận ra ông ngay từ khi ông bước chân vào cánh cửa nhà này, nhưng tôi vẫn rất giận gia đình ông về chuyện lần trước nên tôi muốn vừa dạy cho ông một bài học, vừa để thử thách xem ông có thật lòng hay không? Nếu ông không phải là đồng đội cũ, không bao giờ tôi đồng ý cho đám cưới này xảy ra”; “cả đời làm lính, sống cuộc đời tự do phóng khoáng giữa núi rừng, tôi đâu có màng gì tiền bạc danh vọng, còn hai đứa trẻ, chúng nó yêu nhau, đến được với nhau là do duyên số, tôi thấy thằng Hoàng là người đường hoàng tử tế nên mới đồng ý cho tìm hiểu con gái tôi, nó cũng phải trải qua bao vất vả mới nhận được sự đồng ý của tôi đấy”….
 
Hai người đồng đội cũ còn nói chuyện với nhau rất nhiều, dường như mọi tình cảm kìm nén bây lâu chỉ chờ có dịp là tuôn trào như suối. Tất cả mọi người đều cảm động khi thấy hai mái đầu bạc ôm nhau thắm thiết, nước mắt lăn dài trên má của tất cả mọi người.

Éo le ngày đoàn tụ
 
Hôm nay cả nhà bà Thảo nhộn nhịp lạ thường, nhà bếp thơm lừng các món ăn ngon, trong nhà tràn ngập hoa tươi, mọi người đi lại tíu tít, các ông bà trong họ tộc đã đến đông đủ…. chẳng là hôm nay gia đình thông gia tương lai sẽ chính thức sang nhà bà thưa chuyện cưới xin.
 
Gặp Quang một lần là ông bà ưng ý ngay, Quang chín chắn, lễ phép, công việc ổn định, rất yêu và chiều Thúy, hơn nữa gia đình Quang nghe đâu cũng là gia đình nền nếp, bố mẹ Quang đều là viên chức nhà nước.
 
Không khí háo hức, vui vẻ trước buổi gặp gỡ xẹp ngay xuống từ giây phút ông Thức nhìn thấy ông thông gia. Đã 20 năm trôi qua nhưng ông làm sao có thể quên được, khuôn mặt ấy, dáng người ấy, và đặc biệt là đôi mắt ấy- đôi mắt không bao giờ dám nhìn thẳng người đối diện, lúc nào cũng cụp xuống buồn bã vừa như xấu hổ.
 
Cuộc đời làm quản giáo của ông đã gặp nhiều phạm nhân, nhưng không hiểu sao ánh mắt của phạm nhân tên Trạm ấy cứ ám ảnh ông mãi không nguôi. Sau khi tìm hiểu, ông biết Trạm đã có vợ, con trai 7 tuổi ở quê, bị kết án 1 năm về tội trộm cắp vặt. Không hiểu sao, ông Thức rất có cảm tình và thường xuyên có những ưu ái dành cho Trạm, mỗi lần được ông đưa cho khi thì mẩu bánh, khi thì viên thuốc cảm, ánh mắt Trạm nhìn ông len lén đầy vẻ biết ơn.
 
Ông Thức cũng không thể ngờ, sau ngần ấy năm, Trạm có thể thay đổi như vậy, nghe con gái kể thì hiện tại Trạm đang làm tới chức trưởng phòng của một cơ quan nhà nước.
 
Họ hàng hai bên vẫn không hay biết gì, nói chuyện với nhau rất vui vẻ, chỉ ông Thức và ông Trạm đều gượng gạo thấy rõ.
 
Không phủ nhận, với cương vị quản giáo - phạm nhân, ông Thức có sự thương cảm đối với Trạm, nhưng để làm thông gia với một người đã từng đi tù thì ông không muốn chút nào, nhất là đối với một gia đình gia giáo như gia đình ông.
 
Thế nhưng, đám cưới đã định ngày, họ hàng hai bên, bạn bè của hai đứa đều đã biết chuyện, bây giờ nếu hủy đám cưới, người tổn thương nhiều nhất chính là con gái ông. Vậy là, đám cưới vẫn được diễn ra bình thường.
 
Đám cưới xong xuôi thì bà Thảo - vợ ông Thức mới biết chuyện, mặc dù được chồng ôn tồn giải thích bà vẫn làm ầm lên, kêu khóc thảm thiết, trách móc chồng không sớm ngăn cản đám cưới.
 
Từ khi biết sự thật, mỗi khi hai gia đình gặp nhau, ông Thức chỉ phản ứng bằng cách không bắt chuyện với thông gia, còn bà Thảo tỏ thái độ khinh thường ra mặt. Bà thường xuyên có những lời lẽ xúc phạm tới gia đình thông gia: Trên đời này tôi ghét nhất là phường trộm cắp, đúng là ghét của nào trời trao của ấy”; “Gia đình tôi tứ đời ăn ở hiền lành không hiểu sao lại gặp phải người như thế chứ”; quá đáng hơn bà còn nói: “Từ mai ra đường, có khi tôi phải mua thêm mấy cái mo để đeo vào mặt thôi, chứ tôi làm gì còn mặt mũi nào nhìn bà con khu phố”…
 
Ông Trạm nghe thấy chỉ biết cúi gằm mặt không dám nói câu nào. Ông Thức cũng thấy vợ mình quá đáng, nhưng ông nhắc nhở thì bà lại lu loa “cũng tại ông nên nhà mình mới nên cơ sự này”…
 
Khổ tâm nhất là Thúy, cô đã biết quá khứ của gia đình Quang từ trước, nhưng trái với những định kiến của xã hội, cô thấy gia đình anh rất nền nếp, bố mẹ anh sống rất hòa nhã và được bà con hàng xóm yêu quý, bản thân Quang là người rất đáng tin cậy, cô không cảm thấy hối hận gì khi lấy Quang. Là người có lòng tự trọng, biết bố mẹ vợ không ưa bố mẹ mình Quang ngày càng tỏ ra lầm lì, ít nói, anh thường xuyên về muộn và dường như rất sợ đối diện với Thúy.  
 
Thúy trở về nhà với vẻ mặt như người mất hồn, ai hỏi gì cũng chẳng nói, chỉ đưa cho bố mẹ lá thư của ông Trạm. “Khi bị bắt, rất nhiều lần tôi định tự vẫn, nhưng chính mẩu bánh và cử chỉ quan tâm của anh đã cứu giúp tôi, là động lực để tôi phấn đấu và thành công như hôm nay. Khi hai gia đình gặp gỡ, tôi rất vui mừng nhưng trong lòng cũng đầy mặc cảm tự ti. Tôi biết gia đình tôi không xứng đáng với gia đình anh chị. Định kiến xã hội quá hà khắc đối với những người như tôi. Bây giờ, tôi biết là đã muộn nhưng tôi cũng xin để cho hai đứa được ly hôn, tôi sẽ cùng gia đình chuyển vào miền Nam sinh sống, ông bà sẽ không phải xấu hổ vì thông gia nữa, chỉ tiếc là: mặc dù rất muốn nhưng tôi không có dịp để tri ân những tình cảm anh đã dành cho tôi”.
 
Lá thư và sự sa sút tinh thần cực độ của cô con gái rượu đã thức tỉnh bà Thảo, bà cảm thấy mình thật ích kỷ và có những tư tưởng quá ấu trĩ. Bà tự nhủ ngay tối nay sẽ sang nhà thông gia xin lỗi, bà hy vọng, mọi chuyện chưa quá muộn.
 
  • Gia Linh
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn