Về chuyến du đấu của Man City: Đừng bán rẻ hai chữ "Việt Nam"!

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Hai chữ ‘Việt Nam’ là tài sản chung của rất nhiều người, không phải thứ bạn có thể đem bán rẻ chỉ bằng vài câu nói của BBC, của Joe Hart...

Mấy ngày nay cộng đồng mạng đang xôn xao chuyện báo chí nước Anh (cụ thể là BBC và Daily Mail) “sốc văn hóa” trước những màn lễ lạt diễn ra trước trận đấu giữa đội tuyển bóng đá nam Việt Nam với câu lạc bộ Manchester City trên sân Mỹ Đình (Hà Nội) tối 27/7.

Dân mạng còn chế ảnh lại câu chuyện đối thoại giữa tiền đạo Lê Công Vinh và thủ môn Joe Hart từ facebook một nhà báo thể thao. Câu chuyện kể rằng Joe Hart tỏ ra “hối tiếc” vì đã không mang theo một tấm nệm để thư giãn trong lúc chờ đợi những bài phát biểu trước trận đấu kết thúc. Dân mạng nhiều người cảm thấy xấu hổ khi các ông “Tây” nhận định về mình như vậy.

Tôi thấy thật nhảm nhí. Không phải nhận định của “Tây” nhảm nhí đâu, sự nhảm nhí ấy là đánh giá của tôi dành cho một bộ phận dân mạng.

Từ bao giờ mà những bình luận, nhận định trên báo chí phương Tây là khuôn thước để chúng ta đánh giá chúng ta vậy? Joe Hart – một cầu thủ như bao cầu thủ khác – đã cống hiến gì to tát cho đất nước này thế? Tại sao lời nói của anh ta lại có sức mạnh đến mức chúng ta phủ nhận sạch trơn sự cố gắng của biết bao người?

Mô tả ảnh.
Jesus Navas dùng tay vẽ tranh cùng trẻ em tại làng SOS - Ảnh: Quang Minh

Hãy nghĩ lại xem, bỏ qua tất cả các vấn đề chuyên môn thì trừ những người đã mua vé vào sân Mỹ Đình để xem trận bóng buổi tối 27.7 đó, còn lại, tất cả đều đã xem miễn phí. Miễn phí vì trận bóng được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia, miễn phí vì Manchester City được một doanh nghiệp bỏ tiền ra mời về… Sự miễn phí đó được mua bằng tiền của đơn vị tài trợ. Hàng chục tỉ đồng được nhà tài trợ bỏ ra là để mang các cầu thủ ngôi sao về sân Mỹ Đình, doanh nghiệp không bỏ ra cả núi tiền như vậy để mua sự miệt thị của dân mạng.

Đơn vị tổ chức phải có lời chào các vị khách Manchester City, đơn vị tài trợ phải có quyền lợi của mình trong thương vụ này, vậy nên những bài phát biểu đương nhiên phải có. Hãy đọc lại những gì báo chí nước Anh viết và những gì Joe Hart nói: Họ không hiểu nội dung bài phát biểu đó. Tất cả chỉ là những phát ngôn hài hước nhất thời, vậy thì hà cớ gì bạn nhận được một món quà miễn phí rồi vì dăm ba câu nói vu vơ của “Tây” mà đã vội quay ra miệt thị người tặng quà cho mình?

Có trách thì cũng chỉ nên trách cậu đánh máy cho các diễn giả, họ soạn ra các bài phát biểu sáo rỗng quá, chẳng có gì đột phá, nhàm chán đến buồn ngủ. Cùng lắm thì chỉ nên trách đến vậy thôi, sao lại sổ toẹt công sức của những người đã cố gắng mang lại niềm vui cho những người yêu thể thao trên khắp đất nước này? Miệt thị thế rồi ai còn dám bỏ tiền ra mang những đội bóng lớn về Việt Nam cho các bạn xem miễn phí nữa?

Không chỉ BBC hay Daily Mail, truyền thông đã dắt mũi những người nhẹ dạ. Còn nhớ, trước trận đấu một ngày, có cậu quay phim nào đó của một trang tin dí sát máy quay phim vào các siêu sao của Manchester City và âm mưu biến họ thành những con vẹt:

- Này Sterling! Hãy nói chào Việt Nam đi!

- Này Nasri! Hãy nói tôi yêu Việt Nam đi!

Mô tả ảnh.
Sterling không có lỗi gì khi anh ta từ chối trở thành một con vẹt để mua vui cho một trò lố bịch - Ảnh: Đỗ Hải

Đến lúc các cầu thủ không chịu nói theo ý cậu quay phim thì cậu này về nhà và viết bài cho rằng cầu thủ Manchester City đã “lạnh nhạt với cổ động viên Việt Nam”.

Không hề. Cũng các cầu thủ Manchester City ấy đã dùng tay vẽ tranh tặng trẻ em ở làng trẻ SOS Hà Nội. Nếu có lạnh nhạt thì họ lạnh nhạt với trò lố bịch của cậu quay phim kia chứ không hề lạnh nhạt với cổ động viên Việt Nam. Tại sao các cầu thủ Manchester City phải nói “tôi yêu Việt Nam” (đất nước họ vừa đặt chân xuống) theo ý cậu quay phim ấu trĩ kia? Nhiệm vụ của họ là đá bóng, và họ đã ra sân; chuyện họ im lặng trước một trò lố bịch thì có gì đáng trách?

Mọi chuyện nếu chỉ dừng ở đó thì chỉ là một trò cười, nhưng cho đến khi một cổ động viên nam đem đốt một xấp vé xem trận Việt Nam – Manchester City vì sự “lạnh nhạt” của những Sterling, Nasri… thì câu chuyện trở thành trò hề vĩ đại, một tấn hài kịch không thể tưởng tượng nổi.

Nếu sự chỉ trích chỉ để sướng miệng thì xin hãy tiết chế lại. Hai chữ “Việt Nam” là tài sản chung của rất nhiều người, không phải thứ bạn có thể đem bán rẻ chỉ bằng vài câu nói của BBC, của Joe Hart hay sự “lạnh nhạt” (do cậu quay phim tưởng tượng ra) của Sterling.

Vậy nên, hãy biết tự trọng! Đừng cố gắng hạ thấp giá trị của đất nước mình, bản thân mình thêm nữa!

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người làm báo tại TP.HCM.

Man City không nói "Tôi yêu Việt Nam": Học thái độ!
Nhiều người hâm mộ chê trách thái độ lạnh lùng của Man City, nhưng có lẽ bóng đá Việt Nam cần học tập chính thái độ đó. Bởi nó thể hiện tính chuyên nghiệp cực cao.
Theo:  khoevadep.com.vn