World Cup là ngày hội của những người yêu bóng đá trên toàn thế giới trong đó có những fan hâm mộ bóng đá của Việt Nam.
Họ thức khuya dậy sớm, trăn trở, vui buồn cùng trái bóng lăn ở tận nửa kia của quả địa cầu cùng chiếc màn hình ti vi. Nhưng có lẽ, cảm xúc của họ sẽ trọn vẹn hơn, đầy đặn hơn nếu không có những "hạt sạn" không hề nhỏ mà các bình luận viên bóng đá của VTV "ném" vào tai họ.
Bình luận viên - Là mắc áo hay là...áo?
Dư luận chung của nhiều fan hâm mộ môn thể thao túc cầu những ngày qua là cảm giác khó chịu với màn khoe mẽ kiến thức của những bình luận viên bóng đá trên VTV. Đặc biệt, bình luận viên Tạ Biên Cương còn được gọi là "thảm họa" bình luận viên cũng giống như thảm họa ca sỹ, thảm họa Quân Kun...trên mạng xã hội.
Nguyên nhân Tạ Biên Cương bị gọi là thảm họa cũng chỉ bởi anh nói quá nhiều, khoe mẽ những kiến thức, sự am hiểu của mình đối với bóng đá chi tiết đến từng cầu thủ, từng đội bóng. Đặc biệt, người hâm mộ tỏ ra khó chịu với những cách so sánh hài hước kiểu...nửa mùa, lan man, thậm chí chẳng ăn nhập của Tạ Biên Cương,
Trong phần bình luận sau trận đấu giữa đội Bỉ và Nga diễn ra tại World Cup 2014 ngày 22/6, ông Đặng Gia Mẫn đã đọc một bức thư ngỏ của khán giả là một nhà văn nổi tiếng gửi cho các bình luận viên bóng đá.
Bình luận viên chỉ nên là chiếc móc áo hơn là cố gắng trở thành chiếc áo đẹp. |
Nhà văn Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Vinh đều thể hiện sự bức xúc của mình với những gì mà các bình luận viên bóng đá VTV thể hiện.
Nguyễn Quang Lập tỏ ra khá bực bội: "Nhiều bạn BLV nói như kẻ khát nói, cung cấp thông tin tít mù, bình luận nhăng cuội liên tù tì, gây căng thẳng và khó chịu cho người xem".
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Quang Vinh thẳng thắn: “Để chống lại sự "hạ đặt" vô lối, ầm ĩ, khó chịu, inh tai nhức óc của bình luận viên bóng đá Tạ Biên Cương, rất nhiều gia đình phải dùng biện pháp xem bóng trên VTV nhưng tắt tiếng, mở VOV để nghe bình.
Vì sao thế? Thưa, bình luận viên bóng đá chí ít cũng làm như Quang Huy, bám sát chi tiết trận đấu, gợi mở, dẫn dắt khán giả theo từng đường bóng với ngôn từ chân thực, thông tin đủ, kiệm lời, biết né mình cho khán giả tận hưởng những phút giây trên sân cỏ...
Thưa, bình luận viên Tạ Biên Cương đã sử dụng trận bóng để khoe kiến thức của mình? Những kiến thức ai ham bóng cũng biết, xem bóng chứ không phải vào lớp tập huấn kiến thức, thông tin về bóng đá...".
Là một người trong cuộc, bình luận viên Quang Huy cũng thể hiện sự không đồng tình với đồng nghiệp một cách vô cùng kín đáo: “Người bình luận viên trong một trận đấu giống như mắc áo thôi, là cái mắc áo để treo cái áo đẹp lên vị trí trang trọng nhất vào đúng thời điểm nhất, còn trận đấu chính là cái áo đẹp rồi, tức là chúng ta không nên nghĩ chúng ta là cái áo đẹp mà chúng ta chỉ là cái mắc áo thôi.
Tôi nghĩ nên luôn luôn có sự cầu tiến và quan điểm như thế thì sẽ nhẹ nhõm hơn và chúng ta sẽ làm tốt và sẽ được khán giả chấp nhận. Chứ còn không nên nghĩ mình là cái gì ghê gớm, tôi nhắc lại mình không phải là cái áo đẹp, mình chỉ là cái mắc áo thôi”.
Vâng! Các bình luận viên đừng cố trở thành chiếc áo đẹp để người xem bình phẩm, đánh giá! Xin hãy là người dẫn lối, là một người xem và yêu bóng đá như hàng triệu trái tim yêu bóng đá trong cả nước. Hãy thể hiện tình cảm chân thành, những cảm xúc thật nhất của mình với trái bóng lăn hơn là đứng trên trận đấu, đứng trên khán giả để phán xét và bình luận.
Nói nhiều hay nói...đủ
Đa số ý kiến cho rằng bình luận viên nói quá nhiều với sự khoe mẽ thái quá kiến thức hay những lời bình luận thiếu duyên. Nhưng thế nào là nhiều, thế nào là ít?
Có lẽ, các bình luận viên nên đặt mình vào cương vị của người xem để nói cho...đủ. Nhưng thế nào là đủ? Có lẽ, với hàng triệu người xem với chừng ấy quan điểm khác nhau thì việc làm "vừa lòng" tất cả là điều bất khả thi.
Bình luận viên nổi tiếng Tạ Biên Cương |
Những bình luận có thể đủ với người này nhưng lại "thừa" hoặc thiếu với người khác. Bình luận viên Việt Khuê bày tỏ rất đúng cái "khó" của những người "làm dâu trăm họ": “Chắc anh Quang Huy cũng biết là nghề bình luận là làm nghề làm dâu trăm họ, khi chúng ta làm dâu trăm họ thì mỗi người một ý kiến, mỗi người một quan điểm, người nói rằng phải theo sát diễn biến, người lại thích đưa thông tin, người lại thích có những câu chuyện bên lề, thực ra để đáp ứng tất cả những yêu cầu đó thì không ai có thể đáp ứng được."
Tuy nhiên, khi xem một trận bóng, có lẽ, bất cứ ai cũng sẽ chỉ quan tâm đến cục diện, diễn biến của trận đấu ấy. Còn cầu thủ đó "ngủ" với ai, huấn luyện viên đó từng dẫn dắt đội nào...sẽ không phải là điều mà người xem cần quan tâm. Xác định được điều này, những bình luận viên sẽ biết thế nào là "đủ" cho tất cả mọi người.
Có lẽ, nên tập trung vào diễn biến của trận đấu, chỉ cần đưa ra bình luận ở những tình huống gay cấn hoặc những pha bóng đặc sắc. Thời gian còn lại, hãy để khán giả được nghe tiếng hò reo của người xem ở trên sân, được dõi theo những diễn biến của trái bóng hơn là chú ý đến những lời bình luận của bình luận viên.