Hiện nay, việc vay tiền tại các tổ chức tín dụng đang càng ngày càng trở nên dễ dàng khi người vay chỉ cần cung cấp số CMND/CCCD và số điện thoại. Lợi dụng điều này, kẻ xấu đã đánh cắp thông tin cá nhân của người khác để lừa đảo vay tiền. Đừng để đến lúc ngân hàng báo cho bạn một khoản nợ to đùng rồi mới biết mình bị lợi dụng. Hãy giành thời gian vài phút đồng hồ để kiểm tra mình có bị giả thông tin để vay nợ.
Để lộ thông tin về CCCD/CMND tiềm ẩn nhiều rủi ro
Hiện nay đa phần người dân đã chuyển sang sử dụng CCCD gắn chip. So với CMND và CCCD mã vạch thì CCCD gắn chip chứa đựng được nhiều thông tin hơn qua việc quét mã QR và chip điện tử gắn trên thẻ. Điều này đã vô tình tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng để sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật, nhất là các tội phạm công nghệ cao.
Kẻ xấu có thể lấy thông tin, ảnh chụp trên CCCD và thực hiện các giao dịch vay tiền trên app nhằm mục đích chiếm đoạt. Ngoài ra, mọi người có thể bị lợi dụng sử dụng hình ảnh CMND/CCCD hai mặt để đăng ký thuê bao trả sau của các nhà mạng. Sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ thực hiện những cuộc gọi quốc tế, hoặc thực hiện các cuộc gọi trong nước và chủ thẻ có thể phải chịu các khoản phí nợ cước... Chưa kể, các công ty ảo sẽ sử dụng thông tin cá nhân, ảnh chụp CMND/CCCD để đăng ký mã số thuế nhằm qua mặt các cơ quan chức năng…
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, ngay sau khi nhận thấy thông tin CMND/CCCD đã bị lộ, người dân cần thu hồi ảnh CMND/CCCD ngay khi đăng lên mạng hoặc gửi nhầm cho người khác.
Mọi người cần thường xuyên kiểm tra thông tin tài khoản cùng các khoản vay bởi vì kẻ xấu sau khi lấy được thông tin cá nhân của chủ thẻ có thể sẽ thực hiện các hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản, trong đó phổ biến là hành vi vay tiền qua các app với thủ tục vay đơn giản.
Cách kiểm tra có bị giả thông tin để vay nợ
+ Tra cứu thông qua website của CIC
CIC (Credit Information Center) là Trung tâm Thông tin Tín dụng, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tổ chức này có chức năng thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng của cá nhân, tổ chức nhằm phục vụ cho hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Để tra cứu nợ xấu thông qua tổ chức CIC, cần thực hiện theo các bước:
Bước 1: Truy cập địa chỉ https://cic.gov.vn/
Mở trình duyệt trên máy tính và truy cập vào website của CIC tại địa chỉ https://cic.gov.vn/, sau đó bấm ô Đăng ký ở góc trên bên phải (nếu chưa có tài khoản).
Bước 2: Điền đầy đủ các thông tin cá nhân
Tiếp theo, bạn cần điền đầy đủ các thông tin cá nhân quan trọng, đơn cử như họ tên, ngày sinh, số điện thoại, số CMND/CCCD… Đối với mục Ảnh CMND/CCCD, người dùng phải chụp 3 bức ảnh gồm ảnh mặt trước, ảnh mặt sau và ảnh chân dung có kèm CMND/CCCD. Lưu ý, những mục đánh dấu sao (*) không được bỏ trống.
Bước 3: Chờ kiểm tra thông tin
Sau khi điền đầy đủ thông tin và hoàn tất đăng ký, bạn cần phải chờ vài ngày để CIC kiểm tra thông tin và xác thực tài khoản.
Nếu được phê duyệt, người dùng chỉ cần truy cập vào trang chủ của CIC và chọn Khai thác báo cáo trên thanh menu, sau đó đăng nhập bằng tài khoản tương ứng, làm theo các bước hướng dẫn để tra cứu nợ xấu.
+ Tra cứu qua ứng dụng CIC Credit Connect trên điện thoại
Ngoài tra cứu trên website, Trung tâm Thông tin Tín dụng CIC còn hỗ trợ tra cứu nợ xấu qua ứng dụng CIC Credit Connect trên điện thoại. Các bước tra cứu thực hiện như sau:
Bước 1: Tải ứng dụng CIC Credit Connect
Tải ứng dụng CIC Credit Connect cho điện thoại thông qua App Store hoặc Google Play. Sau đó, đăng ký một tài khoản miễn phí.
Bước 2: Điền thông tin cá nhân
Điền các thông tin cá nhân để xác thực tài khoản, bao gồm họ tên, ảnh chụp CMND/CCCD…
Bước 3: Chờ hệ thống kiểm tra và phê duyệt
Sau khi hoàn tất các bước trên, người dùng phải chờ vài ngày để CIC kiểm tra và phê duyệt, thời gian chờ có thể kéo dài từ 1-3 ngày, không tính thứ 7, Chủ nhật và các ngày lễ.
Bước 4: Xem báo cáo
Khi đã được phê duyệt, truy cập vào mục Khai thác báo cáo, sau đó nhập lại mã OTP (được gửi về điện thoại) để xác thực lại.
Cuối cùng, người dùng bấm xem báo cáo để biết các thông tin liên quan đến điểm tín dụng và mức độ rủi ro, tổng số tiền còn đang nợ các tổ chức tín dụng/ngân hàng (nếu có), danh sách các tổ chức tín dụng còn đang nợ (nếu có)…
Tác giả: Vũ Thêm
-
Thấy số lạ gọi đến, muốn biết tiếp thị hay lừa đảo, dùng ngay 3 cách sau
-
Từ 1/7/2024 trở đi, trường hợp nào phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay khi chuyển khoản tiền?
-
Nhận cuộc gọi lạ, gặp 4 tình huống này phải tắt máy ngay lập tức kẻo bị lừa đảo mất tiền oan
-
3 chiêu thức lừa đảo mới biến tướng: Đặc biệt kiểu thứ 3 khiến 1 người phụ nữ bị lừa gần 3 tỷ đồng
-
Danh sách số điện thoại lừa đảo không nên nghe mới nhất 2024: Cẩn thận mất tiền tỷ