Thẻ căn cước công dân có từ khi nào?
Trước năm 2016 người dân Việt Nam sử dụng chứng minh nhân dân (CMND), tuy nhiên từ năm 2016 chúng ta đã bắt đầu thay thế CMND bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) mã vạch.
Trong quá trình phát triển của khoa học công nghệ để đảm bảo cho việc quản lý dân số được thuận lợi và cùng với các chính sách về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ, bắt đầu Từ 1/1/2021 chính thức cấp thẻ căn cước gắn chip để thay thế cho thẻ căn cước công dân có mã vạch trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, thẻ CCCD gắn chip được cấp mới sẽ vẫn giữ nguyên dãy mã số định danh của công dân. Thẻ căn cước điện tử được gắn thêm chip để có thể tích hợp được nhiều thông tin cá nhân như thẻ BHYT, giấy phép lái xe...
Trên mỗi thẻ CCCD sẽ có 1 dãy số gồm 12 chữ số sử dụng để tra cứu thông tin và giúp quản lý thông tin chủ thẻ. 12 số trên thẻ CCCD gắn chip có những ý nghĩa đặc biệt mà không phải ai cũng biết.
Trường hợp người dân bắt buộc phải đổi thẻ CCCD gắn chip trong năm 2023
Theo Luật Căn cước công dân 2014, những người sinh năm 1998, 1983 và 1963 bắt buộc phải đổi thẻ CCCD gắn chip trong năm 2023.
Cụ thể, thẻ căn cước công dân gắn chip là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Căn cước công dân gắn chip có giá trị chứng minh về nhân thân và cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau.
Giống với chứng minh nhân dân, căn cước công dân cũng có giá trị sử dụng. Tuy nhiên, thay vì chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng 15 năm thì căn cước công dân lại có giá trị sử dụng đến những độ tuổi nhất định, đến độ tuổi đó bắt buộc người dân phải đi đổi thẻ căn cước công dân mới.
Điều 21, Luật Căn cước công dân 2014 có quy định về độ tuổi đổi thẻ căn cước công dân như sau:
- Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;
- Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước tuổi quy định tại khoản 1, Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Như vậy, khi công dân được đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi thì phải đổi thẻ căn cước công dân.
Tính đến năm 2023 thì những người sinh vào các năm 1998, 1983 và 1963 đã lần lượt trở thành công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Như vậy, những người thuộc các năm sinh trên bắt buộc phải đổi thẻ căn cước công dân mới (tức căn cước công dân gắn chip) trong năm 2023.
Tuy nhiên, nếu những người sinh vào các năm trên đã đổi thẻ căn cước công dân mới từ năm 2021 thì vẫn được tiếp tục sử dụng thẻ này cho tới độ tuổi cần đổi thẻ tiếp theo. Đặc biệt, đối với người sinh năm 1963 đã đổi thẻ căn cước công dân mới từ năm 2021 sẽ được sử dụng thẻ cho đến khi qua đời.
Trường hợp công dân sinh năm 1998, năm 1983 và năm 1963 được cấp thẻ căn cước công dân trước năm 2021 thì bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip.
Các trường hợp khác phải làm lại căn cước công dân gắn chip bao gồm:
- Chứng minh nhân dân 09 số hết thời hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp (hướng dẫn bởi Mục 2, Phần II, Thông tư 04/1999/TT-BCA);
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân bị hư hỏng không sử dụng được;
- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng;
- Xác định lại giới tính, quê quán;
- Có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân/Chứng minh nhân dân;
- Bị mất thẻ Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân;
- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.
Ngoài ra, đối với mức phạt khi không đổi căn cước công dân hết hạn thì theo điểm b, khoản 1, Điều 10, Nghị định 144/2021/NĐ-CP và Điều 23, Luật căn cước công dân 2014, kể từ năm 2022, việc không đổi căn cước công dân khi hết hạn sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.
Ý nghĩa của 12 chữ số trên thẻ căn cước công dân
Theo Điều 13 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP, dãy số này gồm 12 số là số thẻ CCCD hay chính số định danh cá nhân. 12 chữ số này là các số tự nhiên ngẫu nhiên từ 0 - 9. Dãy số này có cấu trúc gồm 06 số đầu là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 06 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Theo quy định tại Điều 7, Thông tư 07/2016/TT-BCA hướng dẫn về ý nghĩa số cccd mới như sau:
03 chữ số đầu tiên: là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh. Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân khai sinh có các mã từ 001 đến 0096 tương ứng với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hiện nay, mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên thẻ CCCD được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 của Bộ Công an.
Ví dụ: Công dân khai sinh ở Hà Nội có mã 001, Hải Phòng có mã 031, Đà Nẵng có mã 048, TP. Hồ Chí Minh có mã 079…
01 chữ số tiếp theo: là mã thế kỷ và mã giới tính của công dân. Quy ước các mã như sau:
- Thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam 0, nữ 1
- Thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam 2, nữ 3
- Thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam 4, nữ 5
- Thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Nam 6, nữ 7
- Thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Nam 8, nữ 9
02 chữ số tiếp theo: là mã năm sinh của công dân.
Ví dụ: Công dân sinh năm 1963 thì có 2 mã này là 63; công dân sinh năm 2002 thì có 2 mã này là 02.
06 chữ số cuối: là khoảng số ngẫu nhiên, mã này sẽ phân biệt những công dân có thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh và họ cùng sống ở một tỉnh, thành phố nào đó.
Ví dụ về số căn cước công dân gắn chíp mới
Ví dụ số căn cước của một công dân là: 037153000257 thì trong đó:
- Số 037 là mã tỉnh Ninh Bình
- Số 1 thể hiện giới tính Nữ, sinh tại thế kỷ 20
- Số 53 thể hiện công dân sinh năm 1953 (thuộc thế kỷ 20)
- Số 000257 là dãy số ngẫu nhiên.
Nếu số căn cước công dân là 036093002023 thì:
- 036 là mã tỉnh Nam Định
- 0 là giới tính Nam thế kỷ 20
- 93 là năm sinh của công dân trong thế kỷ 20 tương ứng với năm sinh 1993
- 002023 là dãy số ngẫu nhiên
Như vậy, thông qua việc hiểu ý nghĩa 12 con số trên thẻ căn cước công dân gắn chip, người tra cứu có thể tra cứu được những thông tin cơ bản về chủ thẻ căn cước. Việc tích hợp chip trên thẻ căn cước sẽ giúp tra cứu thông tin nhanh hơn. Chỉ cần thẻ được quét qua các thiết bị định danh các thông tin về chủ thẻ sẽ hiện ra. Đây cũng là một trong những cải tiến đặc biệt giúp chúng ta có thể quản lý các thông tin của người dân dễ dàng hơn rất nhiều.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
3 thay đổi quan trọng về tuổi nghỉ hưu và tính tiền lương hưu từ năm 2024
-
Chỉ cần nhìn điểm này trên thẻ BHYT, biết ngay mức hưởng bao nhiêu %
-
Từ 9/2023: Duy nhất trường hợp này không cần phải làm đăng ký định danh biển số xe, vẫn an tâm sử dụng
-
Chi phí ly hôn mất bao nhiêu tiền? Ai có nghĩa vụ nộp án phí ly hôn?
-
Năm 2023: Dùng thẻ CCCD gắn chip người dân cần tránh 3 việc này kẻo mất tiền oan