3 tuyệt chiêu khử mùi hôi của vịt: Luộc hay nướng đều áp dụng được, thịt mềm, hết sạch mùi hôi tanh

( PHUNUTODAY ) - Để khử mùi hôi tanh của vịt, bạn có thể áp dụng những mẹo nhỏ dưới đây. Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Cắt bỏ phao câu

Thủ phạm gây ra mùi hôi của vịt chính là phần phao câu. Bạn nên cắt bỏ phần này trong quá trình sơ chế vịt. Nếu để nguyên phao câu, phần chất nhờn bên trong sẽ tiết ra trong quá trình nấu và làm món ăn bị hôi, khó ăn.

Dùng nước cốt chanh

Chanh là loại gia vị có tác dụng làm sạch, khử mùi khá tốt. Bạn có thể sử dụng chanh để khử mùi hôi của thịt vịt.

Đầu tiên, hãy vắt lấy nước cốt chanh rồi rưới đều lên bề mặt của con vịt. Dùng tay chà xát liên tục lên bề mặt vịt để nước chanh ngấm vào trong. Ướp thịt vịt với nước chanh khoảng 20 phút.

Ngâm vịt với nước giấm loãng khoảng 30 phút cũng giúp làm sạch vịt. Đây là cách để thịt vịt nhả hết máu thừa, giảm mùi hôi.

Bạn cũng có thể sử dụng chanh và muối để làm sạch vịt, giúp khử mùi hôi. Hãy xát một lượt muối lên toàn bộ con vịt. Sau đó, dùng một quả chanh cắt đôi, xát một lượt quanh con vịt. Rửa sạch vịt và để ráo trước khi chế biến.

Dùng rượu gừng

Rượu và gừng là hai nguyên liệu phổ biến thường được dùng khi cần khử mùi hôi tanh của thực phẩm.

Bạn hãy lấy muối, gừng đập dập và một chút rượu trắng xát lên toàn bộ con vịt. Ướp vịt trong khoảng 5-10 phút rồi rửa sạch cùng nước ấm.

Bằng cách này, thịt vịt sẽ thơm ngon, hết mùi hôi tanh. Bạn có thể yên tâm chế biến thành các món ngon đãi gia đình.

Một số lưu ý khác khi chế biến thịt vịt

Cách chọn vịt ngon, dễ nhổ lông

Với vịt, bạn nên chọn những con trưởng thành, béo, ức tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông (tức là lông ở điểm mút của hai cánh vừa đủ đan chéo vào nhau). Những con vịt như vậy sẽ dễ làm sạch lông, ít lông măng.

Không nên chọn vịt non vì thịt vịt nhão, nhiều lông măng, mất thời gian sơ chế.

Vịt non thường có mỏ to, mềm. Vịt già mỏ sẽ nhọn và cứng.

Ngoài ra, vịt non có mùi hôi nồng hơn vịt già.

Làm sạch lông vịt

Sau khi cắt tiết vịt, bạn không nên nhúng vịt vào nước sôi. Hãy nhúng toàn bộ con vịt vào chậu nước lạnh cho nước ngấm đều khắp thân và da vịt.

Tiếp đó, hãy tưới một chút giấm hoặc rượu trắng lên thân vịt và để khoảng 10 phút. Sau đó, nhúng vịt vào nước ấm. Với cách này, vịt sẽ dễ làm lông hơn.

Nếu nhúng vịt vào nước sôi 100 độ C, lỗ chân lông của vịt sẽ co lại, rất khó nhổ lông. Do vậy, bạn chỉ cần dùng nước ấm là được.

Khi nhổ lông, nhớ miết tay xuống sát da, xuôi theo chiều lông mọc để làm sạch cả phần lông tơ.

Khi đã làm sạch toàn bộ lông vịt, có thể sử dụng các cách khử mùi hôi của vịt đã nêu ở trên.

Chọn gia vị phù hợp

Để món thịt vịt thơm ngon, bạn cần chọn đúng gia vị. Với vịt luộc, ngoài muối, người ta thường cho thêm gừng, hành nướng hoặc sả vào nồi luộc. Thời gian luộc vịt khoảng 25-30 phút tùy theo kích thước của con vịt.

Với món vịt nướng, người ta cũng chọn các loại gia vị có mùi thơm như gừng, sả, riềng, ngũ vị hương, tỏi, ớt, tiêu... Tùy theo cách nướng, bạn có thể chọn gia vị cho phù hợp.

Tác giả: Thanh Huyền