4 nhóm F0 có nguy cơ bị xơ phổi ngay cả khi khỏi bệnh, nếu thấy dấu hiệu này cần đi khám gấp

( PHUNUTODAY ) - Sau khi khỏi bệnh, nhiều F0 gặp biến chứng xơ phổi nguy hiểm. Nếu gặp phải những dấu hiệu dưới đây, bạn nên đi khám sớm.

Xơ phổi hậu Covid-19 có thể được hiểu nôm na là tình trạng nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính không thể hồi phục lại trạng thái bình thường mà thay bằng những mô xơ, đặc biệt ở bệnh nhân bị viêm phổi nặng và hội chứng suy hô hấp tiến triển. Những tổ chức xơ này không thể thực hiện chức năng trao đổi oxy và carbonic như bình thường. Vì vậy, nó gây ra tình trạng khó thở, đặc biệt là khi vận động thể lực.

Dấu hiệu xơ phổi

Dấu hiệu xơ phổi ở F0 sau khi khỏi bệnh là ho khan kéo dài, khó thở khi vận động gắng sức. Đặc biệt, một số người bệnh có thể gặp tình trạng khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.

Để phát hiện tình trạng xơ hóa phổi, người bệnh có thể thực hiện chụp CT scan hoặc sinh thiết phổi.

Xơ hóa phổi đi kèm với tình trạng giảm thể tích phổi, giảm độ khuếch tán của phổi qua thăm dò chức năng hô hấp.

Trên phim chụp CT ngực, hình ảnh xơ phổi có thể biểu hiện ở nhiều hình dạng và mức độ khác nhau như dải xơ, dày các vách liên tiểu thùy, dạng lưỡi, giãn phế quản co kéo....

Người bệnh cũng có thể bị giảm thể tích phổi ở nhiều mức độ khác nhau.

Khi sinh thiết phổi, hình ảnh sẽ cho thấy tình trạng tăng sinh tế bào sợi và lắng đọng collagen trên mô bệnh học.

Xơ hóa phổi được cho là một trong những biến chứng F0 nặng. Người bệnh bị xơ hóa phổi mức độ nặng sau Covid-19 cần được nhập viện để điều trị.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy xơ phổi hậu Covid-19 có thể là biến chứng dài hạn. Ngay cả người bệnh không có triệu chứng cũng có thể gặp phải. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có cách điều trị để ngăn chặn biến chứng này.

4 nhóm người có nguy cơ bị xơ hóa phổi hậu Covid-19 cao

Những F0 thuộc 1 trong 4 nhóm sau có nguy cơ bị xơ hóa phổi cao hơn các bệnh nhân bình thường:

- F0 viêm phổi nặng ở đợt bệnh Covid-19 cấp, đặc biệt là bệnh nhân có hội chứng suy giảm hô hấp tiến triển (ARDS);

- Bệnh nhân phải thở máy áp lực dương, điều trị ECMO, thời gian nằm viện dài;

- Bệnh nhân nặng, nồng độ các cytokines tiền viêm trong máu cao;

- Bệnh nhân có tổn thương phổi sẵn có, lớn tuổi, có tiền sử hút thuốc lá.

Tác giả: Thanh Huyền