5 cách tiết kiệm luôn đúng, trải qua dịch bệnh mới thấy quá hữu ích

( PHUNUTODAY ) - Ngay cả khi kiếm được nhiều tiền bạn vẫn nên tiết kiệm. Có một khoản tiền dự phòng sẽ giúp bạn giảm bớt gánh nặng tài chính, nhất là khi dịch bệnh kéo dài.

Lập ngân sách chi tiêu

Việc lập ngân sách chi tiêu giúp bạn chi tiêu có kế hoạch, theo hạn mức đã đặt ra. Nhờ đó bạn có thể tránh tình trạng bội chi, phải vay mượn tiền để giải quyết nhu cầu tiêu dùng. Nhất là với gia đình có thu nhập trung bình và thấp.

Theo đó, thu nhập của bạn sẽ được chia thành từng khoản mục như chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư,… với hạn mức số tiền cụ thể. Từ đây bạn sẽ tạo cho mình thói quen chi tiêu khoa học, đảm bảo tình hình tài chính luôn ổn định.

Quy tắc 50/30/20

Khi áp dụng quy tắc này, ngân sách sẽ được chia như sau: 50% cho chi tiêu thiết yếu như tiền thuê nhà, ăn uống, điện nước,… 30% cho chi tiêu cá nhân như xem phim, du lịch,… 20% cho các mục tiêu tài chính như tiết kiệm, trả nợ,…

Phương pháp 6 chiếc lọ

Với phương pháp này, thu nhập mỗi tháng của bạn sẽ được chia vào 6 chiếc hũ. Chẳng hạn như: 55% cho chi tiêu thiết yếu (ăn uống, nhà ở, đi lại,…), 10% cho giáo dục đào tạo (học tập, mua sách,…), 10% cho tiết kiệm (tiết kiệm dài hạn, quỹ khẩn cấp,…), 10% cho hưởng thụ (mua sắm, giải trí, du lịch,…), 10% cho tự do tài chính (đầu tư, quỹ hữu trí,…), 5% cho từ thiện.

Theo dõi thu chi

Một khi đã lập danh sách thu chi, bạn nên cố gắng chi tiêu theo đúng hạn mức đã đặt ra. Bạn cũng cần theo dõi các khoản thu chi hàng tháng, nắm rõ được tiền của mình đang được sử dụng như thế nào để từ đó có cách điều chỉnh phù hợp.

Bạn có thể liệt kê các khoản chi tiêu của mình vào sổ tay, vào file excel hoặc dùng app thu chi trên điện thoại.

Lên danh sách trước khi mua sắm

Trước khi đi mua sắm, bạn hãy lên danh sách những món đồ cần mua. Cách này không chỉ giúp giảm thời gian mua sắm mà còn hạn chế được tình trạng “vung tay quá chán”.

Bằng cách lên danh sách bạn cũng sẽ tính toán được số tiền cần mang theo, tránh mang quá nhiều tiền rồi lại sa đà vào món đồ không cần thiết.

Không để chi phí ăn uống vượt quá hạn mức cho phép

Chi phí ăn uống mỗi tháng của gia đình bạn nếu vượt quá 20% thu nhập thì nên xem lại và điều chỉnh cho phù hợp.

Hàng ngày nếu bạn phải bỏ đi một lượng thức ăn thừa đáng kể, nó cũng có nghĩa là bạn đang lãng phí thực phẩm. Điều này khiến cho ngân sách của bạn sụt giảm nhanh chóng.

Với những người thường xuyên ăn hàng, liên hoan tiệc tùng thì cũng tiêu tốn khá nhiều tiền bạc.

Bạn có thể cân đối lại chi phí ăn uống, tiết kiệm bằng cách tích trữ một số đồ ăn khô, lên kế hoạch cho bữa ăn của gia đình, đi chợ đầu mối mua thức ăn cho cả tuần, lên ngân sách cho các khoản chi bắt buộc và khoản còn lại dành cho ăn uống.

Không bị cuốn theo các chương trình khuyến mại

Hầu hết chúng ta bị hấp dẫn bởi các chương trình khuyến mại như giảm giá, mua 1 tặng 1,… Tâm lý ham rẻ khiến nhiều người bỏ qua công dụng của món hàng, mức độ phù hợp với cá nhân và gia đình.

Nếu sản phẩm bạn muốn mua có khuyến mại, bạn có thể mua nó. Nhưng nếu một sản phẩm không nằm trong danh sách mua sắm của bạn mà bạn mua chỉ vì nó có khuyến mại thì bạn đang lãng phí tiền.

Nguyên tắc mua sắm giúp tiết kiệm chi tiêu là chỉ mua thứ mình cần, không mua thứ mình thích.

Tác giả: Trần Thu Thủy