5 điều cần lưu ý khi cha mẹ sang tên sổ đỏ cho con: Biết để tránh thiệt thòi

( PHUNUTODAY ) - Khi cho tặng đất và muốn sang tên sổ đỏ cho con, cả bố mẹ và con cái đều phải đáp ứng đủ các yêu cầu của pháp luật.

1. Điều kiện để cha mẹ sang tên sổ đỏ cho con

Điều kiện đối với bố mẹ

Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định, bố mẹ muốn tặng cho thải đáp ứng các điều kiện sau:

- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai;

- Đất không có tranh chấp;

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

- Trong thời hạn sử dụng đất.

Điều kiện đối với con

Con không thuộc trường hợp không được nhận tặng cho theo quy định tại Điều 191 Luật Đất đai 2013. Cụ thể:

- Cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

- Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

- Cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

Theo luật, cả bố mẹ và con đều phải đáp ứng các điều kiện trên thì mới đủ điều kiện cho nhận đất và thể thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ.

2. Không thể cho đất bằng lời nói

Bố mẹ muốn tặng cho đất phải lập thành hợp đồng và công chứng chứng thực theo quy định. Điều này dược quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013: Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

3. Phải thực hiện đăng ký biến động đất đai trong thời hạn 30 ngày

Theo khoản 4 Điều 95 Luật đất đai 2013, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì phải thực hiện đăng ký biến động đất đai.

Theo khoản 6 Điều nay, các bên phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai trong vòng 30 ngày kể từ ngày tặng cho có hiệu lực.

4. Bị phạt hành chính khi không thực hiện đăng ký biến động đất đai

Việc xử phạt xảy ra khi hợp đồng tặng cho được công chứng hoặc chứng thực vì khi đó mới tồn tại sự biến động tặng cho giữa bố mẹ và con.

Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai khi tặng cho tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 1 triệu – 3 triệu đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn nêu trên mà không thực hiện đăng ký biến động;

- Phạt tiền từ 2 triệu – 5 triệu động nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn nêu trên mà không thực hiện đăng ký biến động.

Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt nêu trên.

Ngoài việc bị phạt, người đang sử dụng đất bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký đất đai theo đúng quy định.

5. Được miễn thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ khi sang tên

Điểm a Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP quy định nhà đất là quà tặng giữa: Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể được miễn lệ phí trước bạ.

Tác giả: Thanh Huyền