Phở chua
Khác với phở Hà Nội có nước dùng nóng hổi, phở chua Cao Bằng lại nổi bật với nước chua dịu đặc trưng, bánh phở dẻo thơm và thịt vịt quay, thịt ba chỉ rán thơm nức mũi. Khi ăn phở chua, người ta sẽ chan thêm một chút nước sốt làm từ dấm, đường và nước mắm.
Đặc biệt, phở chua Cao Bằng được ăn với thịt ba chỉ rán giòn rụm, thịt vịt quay ướp lá móc mật, khoai tàu rán giòn… hoặc gan, dạ dày lợn rán… Tuỳ vào khẩu vị và sở thích của bản thân, bạn có thể ăn phở chua kèm các loại rau sống như húng quế, rau muống chẻ, kinh giới, chanh, ớt… để tăng hương vị.
Bánh trứng kiến
Nguyên liệu chính để làm món bánh này là trứng kiến nên món đặc sản này thường chỉ được làm trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 khi kiến đen rừng đang ở mùa sinh trưởng mạnh nhất.
Ngoài trứng non của kiến đen rừng, bánh trứng kiến còn có thêm phần vỏ làm từ bột nếp và bộc ngoài bằng lá non cây vả. Mặc dù trứng kiến rừng có nhiều loại nhưng người ta chỉ sử dụng trứng của loại kiến có thân nâu, bụng đen, đuôi nhọn và kích cỡ to hơn kiến thường. Trứng kiến sau khi làm sạch sẽ được mang xào cùng thịt lợn băm để làm nhân. Sau khi làm xong vỏ bánh và thêm nhân, bánh sẽ được mang đi hấp cách thuỷ 45 phút cho chín hẳn.
Bánh cuốn
Mặc dù bánh cuốn là món ăn phổ biến ở nhiều vùng nhưng nếu có dịp đến Cao Bằng, bạn nhất định phải thử bánhh cuốn canh vừa quen vừa lạ này. Thông thường bánh cuốn Cao Bằng sẽ không được tráng trước mà chỉ đến khi khách gọi, người chủ quán mới nhanh tay tráng bột và cuốn bánh với nhân thịt bằm xào trước.
Sau khi tráng xong, bánh sẽ không ăn kèm nước mắm chua ngọt như nhiều nơi mà được phục vụ kèm một bát nước hầm xương nóng hổi. Vì được hầm kỹ từ xương nên khi ăn, bạn cảm nhận được vị ngọt thanh, hấp dẫn.
Thạch đen
Thạch đen là món tráng miệng được làm từ một loại cây được trồng nhiều ở Cao Bằng là cây thạch đen. Khi nụ hoa xuất hiện trên ngọn, người ta sẽ cắt phần thân và lá mang về phơi khô rồi dùng để nấu thạch. Đặc biệt, để thạch lúc nào cũng giòn ngon và đông lại nhanh hơn, họ sẽ nấu cùng một chút nước tro.
Thạch đen thường được chế biến thủ công và không sử dụng phẩm màu, chất bảo quản. Bạn có thể trực tiếp thưởng thức món ăn này hoặc dùng kèm với trân châu, sữa tươi, caramen…
Bánh áp chao
Là món bánh ăn vặt mỗi dịp Đông về, bánh áp chao chính là món quà chiều được nhiều người Cao Bằng yêu thích. Không chỉ có phần vỏ ngoài giòn giòn, bên trong mềm thơm ăn kèm nhân thịt vịt đậm đà, bánh áp chao còn được ăn kèm đồ chua và nước mắm chua ngọt.
Để làm bánh áp chao, người ta sẽ sử dụng loại gạo nếp, gạo tẻ, đỗ tương. Sau khi xay xong, cần ủ bột khoảng 3 đến 4 tiếng rồi mới mang đi rán để bánh lúc nào cũng phồng đều. Còn với phần nhân bánh, họ sử dụng thịt vịt lọc xương, tẩm ướp gia vị đậm đà rồi chiên vàng giòn trên chảo dầu nóng.
Tác giả: Minh Thu
-
1 tỉnh miền núi Tây Bắc đang rất ‘hot’, nơi Pu và Chải sinh sống: Thiên đường ẩn mình cho người yêu xê dịch
-
Quả dại xưa bị lãng quên nay ‘lên ngôi’ thành đặc sản chua ngọt hấp dẫn
-
Mãn nhãn với đồi cỏ mây vờn đẹp như phim ở Cao Bằng, ‘đốn tim’ du khách
-
Khám phá 5 viên ngọc ẩn mình tại Cao Bằng lọt top ‘Ấn tượng Việt Nam’
-
Không thể bỏ lỡ: Thác Bản Giốc - Tuyệt tác thiên nhiên hùng vĩ bậc nhất Việt Nam