5 nghề khó xin việc, tương lai có nguy cơ thất nghiệp cao nhất

( PHUNUTODAY ) - Những ngành này nghe tên hấp dẫn nhưng cơ hội việc làm không nhiều. Không ít sinh viên ra trường không thể tìm được việc làm đúng ngành.

Ngành sư phạm

Đây là ngành học được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, ngành này là thuộc nhóm khó xin việc, có nguy cơ thất nghiệp cao trong giai đoạn hiện nay.

Chính sách hỗ trợ học phí khiến nhiều thí sinh lựa chọn học ngành sư phạm. Trong các năm qua, số lượng sinh viên ngành sư phạm ra trường rất lớn trong khi đó nhu cầu của thị trường lao động lại hạn hẹp hơn rất nhiều.

Năm 2017, câu chuyện về một thủ khoa sư phạm ra trường không xin được việc, ở nhà nuôi lợn từng gây xôn xao dư luận. Thực tế, hiện nay rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm đúng ngành, phải chuyển sang các công việc khác.

Ngành kế toán, kiểm toán

Cách đây vài năm, ngành kế toán, kiểm toán thu hút được nhiều người học nhờ mức lương hấp dẫn khi ra trường. Cũng vì điều này, điểm đầu vào của ngành luôn đứng ở top cao. Tuy nhiên, hiện nay nhóm ngành này cũng chứng kiến sự dư thừa lao động, thiếu việc làm.

Việc sinh viên đổ xô vào chọn ngành học này và việc ồ ạt mở chương trình đạo tạo của các trường trong mấy năm trước dẫn tới việc nhân lực bị dư thừa.

Hiện nay, cả nước vẫn có khoảng 200 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành kế toán. Lượng sinh viên hàng năm ra trường rất lớn, nhiều người không xin được việc đúng ngành nghề đã được đào tạo và phải lựa chọn các công việc trái ngành để có thu nhập trang trải cuộc sống.

Ngành lịch sử

Lịch sử là một phần không thể thiếu của xã hội. Tuy nhiên, theo đuổi ngành học lịch sử lại khiến nhiều sinh viên ra trường khó tìm việc làm.

Nghiên cứu lịch sử đòi hỏi nhiều kỹ năng, đam mê và phải đối mặt với khó khăn, thử thách. Trên thực tế, cơ hội việc làm của ngành lịch sử không nhiều.

Sinh viên ngành lịch sử có thể lựa chọn học thêm nghiệp vụ sư phạm để theo đuổi nghề dạy học. Tuy nhiên, khả năng tìm được việc cũng rất nhỏ.

Ngành công nghệ môi trường

Ngành công nghệ môi trường có sự kết hợp của cả nghiên cứu và kỹ thuật. Các kiến thức chuyên ngành này gồm có công nghệ xử lý nước thải, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn thông qua các biện pháp sinh, lý và hóa học.

Mặc dù đây là ngành học có ý nghĩa quan trọng với đời sống của con người về lâu dài nhưng thị trường lao động dành cho ngành công nghệ môi trường lại không nhiều. Vì vậy, nhiều người tốt nghiệp ngành công nghệ môi trường thất nghiệp sau khi ra trường và phải cố gắng tìm những công việc trái ngành nghề đào tạo.

Ngành tâm lý học

Xã hội hiện đại ngày càng phát triển nhanh chóng khiến con người phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý như stress, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, trầm cảm... Đây chính là cơ hội để ngành tâm lý học phát triển mạnh hơn.

Dù nhiều người gặp các vấn đề về tâm lý, tâm thần nhưng ngại mở lòng và cũng không muốn nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn tâm lý, bác sĩ tâm lý nên không có nhiều công việc tâm lý học phù hợp trên thị trường hiện tại.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn tâm lý học cũng không đồng nhất. Một biện pháp tâm lý học có thể có hiệu quả đối với người này nhưng không có tác dụng với người khác. Điều này thực sự dễ khiến những người có vấn đề về tâm lý cảm thấy không tin tưởng và ảnh hưởng thị trường việc làm của nghề này.

Tác giả: Thanh Huyền