Sơ chế thịt không đúng cách
Nhiều người chỉ rửa miếng thịt qua loa bằng nước lã rồi cho vào nồi luộc luôn, bỏ qua khâu sơ chế. Việc này khiến thịt không được thơm ngon.
Trước khi luộc thịt, bạn cần cạo sạch phần lông ở da, dùng chanh và muối chà rửa cho sạch để khử mùi hôi. Chanh và muối có tác dụng khử mùi, giúp thịt thơm ngon hơn. Nếu không có chanh, bạn có thể sử dụng giấm để thay thế.
Không nên luộc cả một miếng thịt to vì như vậy thịt khó chín đều, bên ngoài có thể mềm mà bên trong vẫn còn đỏ. Nên cắt thịt thành các khối có kích thước vừa phải để thịt nhanh chín.
Tùy theo món ăn và sở thích, bạn có thể lựa chọn phần thịt lợn phù hợp. Thông thường, với món thịt luộc, các bà nội trợ hay chọn thịt nạc đầu giòn, thịt bắp giò, thịt ba chỉ dưới có phần nạc mỡ đan xen, luộc lên không bị khô và cũng không quá ngấy. Nếu dùng thịt thăn để luộc thì nên ngâm với nước muối đường loãng (500ml nước pha thêm 20-25 gram muối, 20-25 gram đường) rồi rửa sạch. Cách này sẽ giúp thịt mọng nước, không bị khô.
Luộc thịt bằng nước lạnh
Rất nhiều người cho thịt luôn vào nồi cùng nước lạnh rồi bật bếp. Tuy nhiên, khi luộc thịt bằng nước lạnh, nhiệt độ tăng dần sẽ đưa các chất ngọt, dinh dưỡng bên trong miếng thịt hòa vào nước. Như vậy, miếng thịt sẽ bị nhạt đi. Cách luộc thịt bằng nước lạnh chỉ nên áp dụng khi bạn sử dụng phần nước để làm nước dùng, nước nấu canh.
Để miếng thịt có vị ngọt tự nhiên, bạn nên đun nước sôi rồi mới bỏ thịt vào. Lúc này, nước nóng sẽ làm phần da và các thớ thịt bên ngoài co lại, giữ các protein ở trong miếng thịt không bị thoát ra ngoài. Khi nước sôi trở lại thì hạ nhỏ lửa và luộc cho thịt chín. Sau khoảng 15 phút, bạn có thể kiểm tra xem thịt đã chín hay chưa. Chỉ cần lấy chiếc đũa xiên qua miếng thịt, nếu không thấy nước hồng chảy ra thì có nghĩa là thịt đã chín. Tắt bếp và đậy vung, ngâm thịt trong nước nóng thêm vài phút cho miếng thịt ngậm nước. Đây cũng là bí quyết để thịt không bị đỏ ở bên trong hay bề mặt thịt không bị thâm đen khi vớt ra.
Luộc lửa to, thêm nước lạnh khi luộc
Một số người muốn thịt nhanh chín nên để lửa lớn trong quá trình nấu. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến thịt chín ở bên ngoài nhưng bên trong vẫn còn đỏ. Luộc thịt với lửa lớn cũng khiến nước bốc hơi nhanh, làm nước bị cạn. Khi đó, chúng ta có thể sẽ cần phải thêm nước vào nồi để luộc cho tới khi thịt chín. Lúc này, nếu thêm nước lạnh, miếng thịt sẽ kém ngon.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt và xương vốn chứa nhiều protein, chất béo. Nếu đang nấu ở nhiệt độ cao, thêm nước vào sẽ khiến nhiệt độ giảm đột ngột và chất béo bị kết tủa, khe hở của thịt bị co lại, làm thịt bị cứng và giảm độ ngọt.
Luộc thịt quá lâu
Một số người muốn thịt không bị đỏ ở bên trong nên luộc thịt khá lâu. Tuy nhiên, luộc càng lâu sẽ khiến thịt càng bị khô và nhạt. Đun lâu cũng làm dinh dưỡng trong thịt bị biến đổi.
Vớt ra và thái thịt ngay
Thịt vừa luộc xong đã vớt ra và thái ngay sẽ khiến hơi nước bị bốc hơi, phần bị bị thâm đen, thịt bị khô và xỉn màu.
Sau khi luộc, bạn nên ngâm thịt trong nồi nước nóng khoảng 5-10 phút cho thịt ngậm nước.
Ngoài ra, một số người sẽ dùng phương pháp sốc nhiệt để làm thịt săn chắc hơn. Tức là sau khi luộc chín, thịt vớt ra sẽ được thả vào bát nước đá lạnh và ngâm cho nguội bớt. Khi đó, thịt sẽ săn lại và dễ thái hơn.
Nếu muốn thái thịt dễ hơn, bạn có thể dùng màng bọc thực phẩm gói chặt miếng thịt luộc lại (sau khi đã được ngâm nước đá cho nguội) và cho vào ngăn mát tủ lạnh để vài tiếng cho thịt chắc, khi thái sẽ dễ tạo được lát mỏng, các miếng đều nhau.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Tác dụng của việc cho bia vào thịt kho tàu, cực hữu ích mà nhiều người không biết
-
Xào rau nhớ cho thứ này, rau xanh mướt, không bị thâm xỉn, ngon hơn ngoài hàng
-
Bí quyết giúp làm mềm thịt bò nhanh chóng, chế biến món gì cũng ngon
-
Cho vài giọt này lên vịt là khử được mùi hôi, thịt thơm ngon, ngọt lừ
-
Hầm thịt bò nhớ cho thêm thứ này, thịt nhanh mềm lại không hôi