6 lưu ý không thể bỏ qua khi dạy trẻ tập bơi

( PHUNUTODAY ) - Cho trẻ học bơi không đúng cách, trẻ không những khó biết bơi mà còn gây mất an toàn cho trẻ. Để chuẩn bị tốt cho con khi học bơi, cha mẹ cần hết sức lưu ý những điều sau.

1. Lựa chọn cơ sở học bơi phù hợp

Để chuẩn bị cho con đi học bơi, trước hết, cha mẹ cần chọn cơ sở dạy bơi phù hợp, chất lượng nước sạch, có đội ngũ giáo viên dạy các kỹ năng bơi và đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp. 

Cơ sở phải có nước sạch tắm. Bể bơi được bảo trì và và thường xuyên được kiểm tra. Nếu có điều kiện, nên cho trẻ học bơi ở bể có nước ấm, hoặc có mái che nắng che mưa.

Phụ huynh cần lựa chọn cơ sở học bơi chất lượng tốt và giảng viên có phương pháp phù hợp (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Cha mẹ cần chọn thầy giáo uy tín, chọn lớp giáo viên chỉ dạy khoảng 10 trẻ/ lớp sẽ đạt hiệu quả và an toàn.

Ngoài ra, phụ huynh nên xem xét lựa chọn khoá học có chương trình phù hợp với trẻ. Phụ huynh có thể quan sát để chọn giáo viên có phương pháp hướng dẫn bơi dễ hiểu, dạy trẻ các mức kỹ năng cần thiết và trẻ thích thú vào lớp học bơi đó.

2. Đảm bảo vệ sinh, an toàn khi bơi

Khi cho con học bơi, nhất định phải lựa chọn những vùng nước sạch. Để đảm bảo vệ sinh, cần đưa trẻ đến bể bơi nên chọn những bể bơi có công tác khử trùng tốt, nước trong xanh, lượng người tham gia bơi vừa phải, nước không quá nặng mùi khử trùng. Tốt nhất là bơi bể trong nhà bởi có thể tránh tối đa ánh mặt trời và thuận tiện cho thời gian lựa chọn đưa bé đi bơi.

Không nên cho trẻ bơi ở những hồ ao tù hãm, những khúc sông ngòi bẩn có nhiều cống rãnh đổ vào. Nước bẩn mang sẵn nhiều loại vi khuẩn có hại, là tác nhân gây nhiều loại bệnh như đau mắt, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm tai...

Vào mùa hè, nên chọn các bể bơi có mái che, hoặc đợi khi trời mát mới nên cho trẻ học bơi (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Vào mùa hè, nên chọn các bể bơi có mái che, hoặc đợi khi trời mát mới nên cho trẻ học bơi để tránh cảm, say nắng… Mùa đông nên chọn các bể trong nhà, có nước ấm. 

Cho trẻ uống đủ nước, khởi động và tắm sơ trước khi cho trẻ xuống nước. Ủ ấm cho trẻ khi lên bờ, tránh gió lùa. Tắm tráng và thay quần áo sạch, khô ngay. Sấy tóc, thấm tai, nhỏ nước muối vào mắt, mũi, họng ngay để phòng bệnh cho trẻ.

3. Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng

Ngoài việc chọn bể bơi tốt, nước sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn, giá cả phải chăng,..., bố mẹ cần quan tâm tới việc mua đủ quần áo bơi, nút tai, kính bơi hay mũ bơi cho các bé gái tóc dài. 

Khi mua kính bơi phải chú ý, mắt kính và gioăng cao su phải úp khít vào hốc mắt của trẻ, như vậy nước mới không lọt vào. Nhiều bố mẹ cứ nghĩ kính đắt tiền là tốt mà quên không chú ý tới việc kính có vừa hay không. 

Trẻ nhỏ cũng nên có thói quen dùng nút tai để ngăn nước lọt vào tai. Khi xuống nước, bất cứ điều gì gây khó chịu cho trẻ như nước vào mắt, nước vào tai, tóc xòa xuống mặt… cũng làm trẻ phân tâm, học bơi khó hơn.

4. Thời điểm học bơi thích hợp trong ngày

Không để trẻ bơi vào buổi trưa, trời nắng gắt, lúc 11 - 13h hàng ngày. Khi đó nhiệt độ cơ thể bé đang cao, mồ hôi ra nhiều và gặp nước bé sẽ rất dễ bị cảm đột ngột. Thay vào đó, nên cho bé bơi vào thời điểm đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, sẽ rất có lợi cho sức khỏe của trẻ. Thời gian bơi lý tưởng nhất là 9-11 giờ sáng, nước âm ấm và không khí trong lành.

Không nên bơi trước và sau khi ăn. Bơi khi đói sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ăn và chức năng tiêu hóa của trẻ, hoặc có thể xảy ra tình trạng chóng mặt và mất sức. Bơi trong lúc dạ dày còn quá no, máu sẽ tập trung ở những cơ bắp đang vận động, khiến việc tiêu hóa bị cản trở, ngoài ra còn có thể dẫn đến hiện tượng đau bụng, buồn nôn… Tốt nhất chỉ nên cho trẻ ăn nhẹ các món chế biến từ rau, củ, quả hơn là các món từ chất béo, thức ăn nhanh và cho trẻ xuống hồ bơi sau khi ăn khoảng một giờ đồng hồ.

5. Chuẩn bị tâm lý cho trẻ

Nhiều trẻ nhỏ khi ra đến bể bơi thường có tâm lý sợ hãi, khóc thét, ôm chặt lấy cha mẹ. Thậm chí có bé còn “tè” cả ra quần vì sợ nước.

Để trẻ vượt qua nỗi sợ hãi này, trước khi đưa trẻ xuống nước, cha mẹ cần phải chuẩn bị tâm lý cho trẻ. Không nên ép trẻ xuống bể bơi khi chưa sẵn sàng vì sẽ càng khiến trẻ thêm sợ hãi. 

Sắm đầy đủ đồ dùng học bơi và chuẩn bị cho trẻ tâm lý thoải mái, vui vẻ khi học bơi (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Trong trường hợp này, phụ huynh là người trực tiếp giúp con vượt qua rào cản tâm lý. Vài buổi đầu tiên, phụ huynh có thể vào bể chơi cùng, vui đùa cùng con để trẻ có một tâm lý vui chơi, thoải mái. Có bố mẹ tham dự cùng trong giờ học có thể giúp trẻ bớt sợ hãi.

Trước khi đưa con đi học bơi, phụ huynh cần có phương pháp khích lệ sự hứng thú bằng các câu chuyện, đưa con đi lựa chọn, mua sắm đồ bơi theo ý thích và nên chọn học theo nhóm để kích thích sự hăng hái trong tập luyện.

6. Cho trẻ học tuần tự, đúng quy trình

Trẻ học bơi không đúng trình tự, học nhảy cóc, cái khó học trước, cái dễ, cái cơ bản lại học sau sẽ khó biết bơi. 

Trẻ cần nhiều thời gian và sức khỏe để học những kiểu bơi khó như bơi sải (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Trong bơi lội, thở là kỹ năng cơ bản nhất, quan trọng nhất, nhưng lại được ít người chú ý. Nhiều người xuống nước chỉ học thở qua loa rồi cắm đầu vào luyện quạt tay đạp chân. Tuy nhiên, khi đầu óc còn bị chi phối bởi chuyện sặc nước thì khó có thể điều khiển cho tay chân quạt đúng, đạp đúng. Bởi vậy, khi chưa luyện thuần thục kĩ năng đơn giản này, trẻ xuống bể bơi sẽ nín thở khua đạp loạn xạ cho tới khi không nhịn thở được nữa thì dừng lại, rất khó biết bơi. 

Muốn trẻ học được những kiểu bơi khó như bơi ếch, bơi sải, cha mẹ cần đầu tư thời gian và sự kiên nhẫn để trẻ có thể bơi được thuần thục, đúng kĩ thuật. Cần cho trẻ học các động tác cơ bản, các kiểu bơi đơn giản trước khi tập luyện những kiểu bơi phức tạp. Có như vậy, trẻ mới dễ biết bơi và hứng thú học bơi.

>Cho trẻ học bơi ở độ tuổi nào thích hợp nhất?
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Bơi là kĩ năng sinh tồn quan trọng trẻ cần được học sớm. Tuy nhiên, khi nào nên cho trẻ học bơi vẫn là vấn đề khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.

Tác giả: Đặng Hạnh Nhân