6 việc cha mẹ làm tưởng tốt nhưng lại khiến con áp lực, lo âu nhiều hơn

( PHUNUTODAY ) - Ước tính có khoảng 20% trẻ vị thành niên mắc rối loạn lo âu. Dù đây không hẳn là lỗi của cha mẹ nhưng có những việc cha mẹ tưởng là tốt thật ra lại khiến tình trạng tồi tệ hơn.

Quan tâm quá nhiều

Nếu như con đi học về và kể chuyện ở lớp có bạn xấu tính, hay bắt nạt bạn khác hoặc giáo viên thiếu tế nhị thì cha mẹ sẽ cảm thấy lo lắng và bộc lộ điều đó.

Cảm xúc của cha mẹ lúc này có thể ảnh hưởng đến con và khiến con lo âu nhiều hơn. Cha mẹ nên học cách kiểm soát sự lo âu của bản thân trong khi thể hiện sự thông cảm với con.

Giúp đỡ quá mức

Cha mẹ luôn muốn bảo vệ con của mình. Thế nhưng sự giúp đỡ, bao bọc quá mức của cha mẹ đôi khi có thể làm tăng mức độ lo âu của con.

Khi con chia sẻ về một điều khó khăn nào đó, thay vì giải quyết vấn đề thay con cha mẹ nên giúp con tìm ra một giải pháp mà con có thể tự thực hiện được, không trần sự hỗ trợ từ bạn.

Bù đắp những thiếu sót

Cha mẹ luôn muốn bù đắp những thiếu sót cho con. Chẳng hạn nếu con học đuối hơn các bạn, nhiều cha mẹ thuê gia sư về kèm thêm cho con. Khi con bị bắt nạt, cha mẹ mua sách về đối phó với những kẻ bắt nạt cho con.

Cách làm này tưởng là hay nhưng thực tế cha mẹ lại đang khuyến khích con tập trung vào những điều tiêu cực.

Đa số chúng ta có được sự tự tin không phải từ việc bù đắp những điểm yếu, mà là phát huy những điểm mạnh. Những người thực sự hài lòng với cuộc sống là người biết cách làm những việc mình giỏi và không căng thẳng vì những điều còn lại.

Quan trọng hóa điểm mạnh

Mặc dù cha mẹ nên tập trung vào những điểm mạnh của con nhưng cũng đừng quan trọng hóa điểm mạnh tới mức gây ra lo âu nhiều hơn.

Nếu cha mẹ thường xuyên nói với con rằng phải cố thi vào trường top đầu, hãy cố gắng trở thành một vận động viên Olympic,… thì những lời nói tưởng tích cực ấy sẽ trở thành áp lực cho con.

Cha mẹ nên khen ngợi khi con xuất sắc nhưng đừng biến sự xuất sắc của con thành lý do để mong đợi, đòi hỏi nhiều hơn nữa từ con.

Ám ảnh về đạo đức

Cha mẹ có thể nỗ lực để khuyến khích những phẩm chất, giá trị tốt ở con. Tuy nhiên đừng khiến con bạn bị ám ảnh quá mức với những giá trị đó. Đôi khi con có thể có những lựa chọn thiếu sáng suốt và cảm thấy việc bị gia đình phát hiện còn đáng sợ hơn hết thảy.

Hãy để con biết rằng mặc dù những giá trị đạo đức là rất quan trọng, nhưng bạn cũng thấu hiểu thực tế và những cám dỗ mà con phải đối mặt.

Đừng khiến con bạn cảm thấy quá lo âu, sợ hãi khi phải thú nhận mình đã mắc sai lầm hay chịu áp lực quá lớn vì mắc sai lầm chỉ bởi sợ bị cha mẹ đánh giá, phán xét.

Che giấu vấn đề của bản thân

Phần lớn cha mẹ đều không muốn làm con cái lo lắng vì những vấn đề của mình. Khi gặp khó khăn về tài chính hoặc mâu thuẫn vợ chồng, chúng ta nghĩ rằng tốt hơn hết là không để con cái biết.

Tuy nhiên con bạn vẫn biết điều đó, chỉ là không biết được toàn bộ câu chuyện, và vì thế con có thể tưởng tượng, phóng đại vấn đề.

Mặc dù cha mẹ không nên đem những gánh nặng của mình cho con cái, nhưng bạn nên chia sẻ thật những mối lo âu và những điều bạn đang làm để giải quyết vấn đề.

Khi chia sẻ với con cái những điều này, cha mẹ đang làm mẫu thực tế cho con về cách đối phó và giải quyết lo âu.

Ngoài ra, để giúp con không bị suy sụp vì căng thẳng cha mẹ nên chú ý và trò chuyện với con, tạo một môi trường sống lành mạnh, thay đổi một số thói quen về sức khỏe, giảm bớt lịch trình cho con, khuyến khích con hít thở sâu,…

Tác giả: Trần Thu Thủy