Kiểu cha mẹ hay cãi vã, bạo lực
Có những bố mẹ rất hay lấy chuyện mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu hay xích mích vợ chồng đổ lên đầu con cái thậm chí nói xấu thành viên gia đình với con cái. Như vậy vô tình đã làm hỏng tâm lý của đứa trẻ bởi chúng luôn có bản năng yêu thương tôn trọng bố mẹ như nhau. Nếu ở trước mặt đứa trẻ chỉ trích đối phương thì sẽ làm hủy hoại hình ảnh đối phương trọn mắt trẻ thơ. Những gia đình có kiểu bố mẹ như vậy sẽ làm con cái không có cảm giác ấm áp và an toàn có thể sẽ biến chúng thành những đứa trẻ hay phản kháng quyết liệt. Vì vậy hãy hạn chế cãi nhau chỉ trích nhau trước mắt con cái bạn nhé.
Kiểu cha mẹ luôn coi thường suy nghĩ của trẻ
“Con còn bé lắm, không hiểu được đâu.” “Trẻ con thì biết gì” Nhiều người lớn có xu hướng không tôn trọng ý kiến hay sự có mặt của con trẻ, coi mọi suy nghĩ của chúng là vặt vãnh, không chấp. Điều này không những tạo cho trẻ cảm giác tự ti, không được tôn trọng mà còn có thể kìm hãm và giết chết tính sáng tạo, ham học hỏi ở trẻ.
Người lớn không tôn trọng con trẻ, đừng trách chúng không lễ phép với mình. Người lớn ngăn cản việc trẻ con tò mò, thắc mắc, đừng trách vì sao chúng giấu giếm, tự đi tìm hiểu mà không cần người lớn như vậy trẻ dễ đi sai đường.
Kiểu dạy con nguyên tắc cứng nhắc
Con gái luôn được dạy phải dịu dàng, ý tứ, gọi “dạ” bảo “vâng”, không được to tiếng, không được đứng lên tranh luận. Vì thế khi lớn lên, các bé sẽ không bao giờ dám phản kháng trong một cuộc tranh cãi, không bao giờ dám đấu tranh để đòi tăng lương, không bao giờ dám mơ ước đến vị trí lãnh đạo hay đứng đầu.
Hãy khuyến khích con biết đứng lên bày tỏ quan điểm của mình trong giờ học, trong một cuộc họp nhóm, biết cách nói “không” khi con cảm thấy mình đúng, biết cách thuyết phục mọi người theo ý kiến của mình. Có như vậy, bé mới được nuôi dưỡng lòng tự tin và trở thành người phụ nữ bản lĩnh, thành công trong tương lai.
Kiểu cha mẹ bao bọc con quá mức
Người xưa thường nói "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Cha mẹ, vì thương con mà gánh hết phần vất vả, nặng nhọc về mình, không dám để con cực một giây phút nào.
Cha mẹ nhiều khi sợ con bẩn nên không dám cho con tự do khám phá thiên nhiên, sợ con làm hỏng đồ nên làm thay con mọi việc nhà, sợ con va vấp sớm với cuộc đời nên chỉ bắt con học, lên đại học cũng không được làm thêm,… Vô tình với kiểu “thương con” này, cha mẹ khiến con mình mãi là đứa trẻ bé bỏng, yếu đuối, nhút nhát và ích kỉ, không biết quan tâm, thấu hiểu cho những vất vả của bố mẹ.