7 câu cha mẹ nên nói với con hàng ngày nếu muốn bé ngoan ngoãn, học giỏi

( PHUNUTODAY ) - Bố mẹ đừng ngần ngại nói với con những câu sau đây vào những tình huống phù hợp để giúp con thêm tự in và có nhiều niềm vui trong cuộc sống nhé!

 Trẻ em như búp trên cành, vì thế mà những câu nói tích cực của bố mẹ có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển tinh thần và nhân cách con ngay từ khi còn bé.

Ngôn từ tích cực là một trong những chìa khóa quan trọng giúp bố mẹ nuôi dạy con hiệu quả hơn. Những câu nói ngắn gọn nhưng đầy sự chia sẻ, khích lệ, động viên giống như một liều thuốc "thần kỳ", không chỉ giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ, mà còn có thể khiến trẻ vượt qua mặc cảm, tự tin, cởi mở hơn, thông minh hơn, đồng thời nuôi dưỡng và phát triển những nét tính cách tích cực ở trẻ.

Bất cứ cha mẹ nào cũng muốn cho con mình những điều tốt đẹp nhất, mong con lớn lên trong một môi trường lành mạnh, thỏa sức sáng tạo. Để làm được những điều đó, cha mẹ hãy tập thói quen hằng ngày nói với con những câu nói dưới đây.

“Bố/ Mẹ yêu con"

Nếu bạn thích nghe những điều này từ con yêu và bạn đời thì trẻ cũng vậy đấy. Đừng kiệm lời mà hãy nói cho trẻ biết tình cảm yêu thương của bạn dành cho trẻ nhiều như thế nào.

"Con đã rất cố gắng"

Câu nói này đồng thời sẽ công nhận những nỗ lực của trẻ. Trước những cố gắng, nỗ lực và tiến bộ của con, nhất là trong học tập, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ nhiều hơn để trẻ có thêm động lực cố gắng cho bố mẹ vui lòng và cảm thấy tự hào về mình.

"Con có thể làm được mà"

Không chỉ trẻ em, mà cả người lớn thường có tâm lý sợ khi phải thử một cái gì đó mới. Trẻ em lớn lên hàng ngày sẽ đối mặt với vô vàng những điều mới mẻ, chỉ một lời nhắc nhở của cha mẹ sẽ giúp họ có thêm động lực rất nhiều.

"Con đã làm rất tốt"

Trước những nỗ lực của trẻ, dù không đạt được những thành công (điểm cao trong các kì thi chẳng hạn) như cha mẹ mong đợi, bạn hãy nói cho trẻ biết rằng, trẻ như vậy là đã làm rất tốt rồi. Cha mẹ hãy khích lệ con yêu để con nỗ lực chứ đừng quá đặt nặng chuyện thành tích, gây áp lực cho trẻ.

"Không ai hoàn hảo cả"

Nếu trong phòng tập thể dục, con bạn không tốt bằng bạn cùng lớp, nhưng trong môn toán học, các bé còn lại không tốt bằng trẻ, mẹ hãy nói cho trẻ biết không ai là hoàn toàn hoàn hảo để bé không thấy tự ti về chính mình. Trong các tình huống của cuộc sống, hãy cho con của bạn biết tất cả mọi người đều có thể mắc sai lầm, kể cả cha mẹ cũng thế.

"Bố/Mẹ xin lỗi"

Nếu bạn muốn dạy cho con mình biết nhận lỗi và xin lỗi mỗi khi làm sai, bản thân bạn trước tiên phải biết nhận lỗi, bởi cha mẹ luôn là tấm gương để trẻ học theo ngay từ những năm tháng đầu đời. Nếu trong một trường hợp nào đó bạn mắc phải sai lầm với con, cũng đừng ngại ngần mà hãy nói lời xin lỗi con.

“Ngày hôm nay của con thế nào?”

Đây là một trong những cách rất hiệu quả khi cha mẹ muốn bé chia sẻ những câu chuyện hay những trải nghiệm của con hàng ngày. Trong nhiều trường hợp, câu nói này thể hiện sự quan tâm, kết nối, lắng nghe và yêu thương của cha mẹ dành cho con yêu. Đồng thời, câu nói này còn cho trẻ có thêm tin tưởng vào bạn dù trẻ có gặp bất cứ vấn đề lớn nhỏ gì trong cuộc sống.

Tác giả: Huyền Mai