Anh em ruột thịt là người thân thiết, không chỉ chung một dòng máu mà còn cùng nhau lớn lên, trưởng thành. Tuy nhiên, thứ tình cảm thiêng liêng này đôi khi cũng có nhiều vùng cấm. Nhớ tránh xa 4 điều dưới đây để tránh phát sinh những mâu thuẫn không đáng có khiến "tan đàn xẻ nghé", từ ruột thịt thành kẻ thù.
1. Tham lam tài sản của cha mẹ
Với tâm lý người Việt, khổ cực phấn đấu cũng chỉ muốn lo cho con cái nên người, bằng bạn, bằng bè, nở mặt nở mày với xã hội. Nhiều người làm cha, làm mẹ hy sinh cả cuộc đời cho con cái. Họ muốn để lại nhiều tiền bạc của cải để thế hệ sau bớt vất vả và sống êm ấm. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguồn cơn khiến không ít trường hợp tình anh chị em trong nhà tan nát vì tranh giành tài sản của cha mẹ để lại.
Nhiều người con vì lòng tham mà gây ra mâu thuẫn trong gia đình. Họ bị tiền bạc chi phối rồi quên mất rằng, những tranh chấp như thế không chỉ khiến tình thân bị sứt mẻ mà còn khiến thiên hạ chê cười. Tuy nhiên, không phải con cái lúc nào cũng hiểu đạo lý đó. Nhất là khi bị cuốn vào vòng xoáy kim tiền, bị những tài sản hiện hữu cám dỗ rồi quên mất giá trị tình thân. Trong cuộc sống, có không ít trường hợp anh em trở mặt thành thù bởi tranh giành tài sản cha mẹ để lại.
2. Không can thiệp quá sâu vào cuộc sống cá nhân
"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", khi lớn lên, mỗi người sẽ đều có những gia đình nhỏ, những không gian riêng tư. Ở đó, họ đều có câu chuyện của riêng mình, có vui buồn, có hạnh phúc. Vẫn biết người trong một nhà nên quan tâm, sẻ chia với nhau nhưng khi sự quan tâm ấy trở thành có sự can thiệp quá sâu có thể sẽ gây ảnh hưởng không tốt, có thể khiến mối quan hệ thân thiết bỗng rạn nứt.
Do đó, nên nhớ rằng, dù là ruột thịt thân thiết nhưng mỗi người đều có một cuộc sống riêng. Đừng nên can thiệp quá sâu hay quyết định thay cuộc sống của người khác. Dẫu "anh em như thể tay chân" thì cũng nên vạch rõ ranh giới và giành một sự tôn trọng cho cuộc sống riêng của mỗi người.
3. Không tùy tiện vay mượn tiền bạc
Anh chị em trong gia đình khi lớn lên sẽ có công việc và điều kiện kinh tế khác nhau. Có người có cuộc sống khấm khá, có người lại gặp nhiều khó khăn. Việc giúp đỡ nhau giữa những người trong một nhà là điều tốt và đáng trân trọng. Tuy nhiên đó không phải là trách nhiệm hay nghĩa vụ của riêng một cá nhân nào. Do đó, không nên tạo sức ép để khiến ai đó phải cho bạn vay mượn tiền bạc.
Bên cạnh đó, đây vốn là vấn đề rất nhạy cảm, đặc biệt là với những người thân thiết. Nếu cư xử không khéo léo, bạn có thể hủy hoại đi tình cảm gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Trong thực tế cuộc sống, không ít trường hợp anh chị em trong gia đình xảy ra mâu thuẫn, thậm chí đưa nhau ra tòa vì chuyện vay mượn tiền bạc, lúc đó, tình nghĩa anh em cũng không còn.
4. Không quên ơn giúp đỡ của anh em
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ không tránh khỏi những lúc gặp khó khăn. Những lúc đó, tình thân là thứ đáng quý hơn bao giờ hết. Anh chị em trong nhà sẽ cũng chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, là anh em ruột thịt thì có ơn cũng phải nhớ và quý trọng. Đôi khi không thể hiện bằng lời nói nhưng cũng hãy khắc cốt ghi tâm ở trong lòng.
Nhiều người nghĩ rằng anh em ruột thịt không cần khách sáo, không phải cảm ơn và xem đó là điều đương nhiên rồi quên lãng. Thế nhưng càng ruột thịt thì càng phải trân trọng bởi khi cả thế giới quay lưng với bạn, chỉ có người thân sẵn sàng đưa tay ra giúp đỡ bạn. Đây là đạo lý mà bất cứ ai cũng nên ghi nhớ.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Trưởng thành mới ngộ ra: Anh chị em ruột không bao giờ là người một nhà
-
Khi cha mẹ chẳng còn, anh em ruột thịt dù thân thiết đến đâu cũng phải nhớ 3 "quy tắc" này
-
Đau mà đúng: Đã là anh em ruột thịt, thương nhau đến mấy cũng đừng mắc nợ nhau 4 thứ này
-
Khi vợ chồng, anh em đi xe của nhau mang theo thứ này, chẳng lo bị CSGT xử phạt, đó là gì?
-
Ông cha ta bảo: Anh chị em ruột cũng không bao giờ là người một nhà, đau mà thật