Bí mật nuôi dạy con thành công: Kỹ năng bị bỏ quên mà 90% cha mẹ không biết

( PHUNUTODAY ) - Các bậc cha mẹ luôn mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con mình và hy vọng con sẽ thành công trong tương lai. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách để nuôi dạy con cái một cách hiệu quả.

Aliza Pressman, Ph.D., là một nhà tâm lý học chuyên về phát triển và giữ chức trợ lý giáo sư lâm sàng tại Khoa Sức khỏe Hành vi Nhi khoa của Trường Y Icahn, thuộc Mount Sinai ở Manhattan, Hoa Kỳ. Cô cũng là đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Nuôi dưỡng và Giáo dục Trẻ em Mount Sinai.

Trong suốt gần hai thập kỷ, Pressman đã tập trung vào việc nghiên cứu về chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cô thường xuyên nhấn mạnh tới các bậc phụ huynh sự quan trọng của việc giáo dục con cái từ tâm hồn và lòng tin.

Theo cô, điều quan trọng là phải dạy trẻ tin vào khả năng của chính mình và khích lệ chúng nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu. Trẻ em có lòng tin vào chính mình sẽ không ngừng thách thức bản thân và cố gắng hơn. Thay vì đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài hoặc thiếu may mắn về tài năng, chúng sẽ học cách kiểm soát và tập trung vào những gì chúng có thể thay đổi và cải thiện.

Nhà tâm lý học Aliza Pressman

Các yếu tố xây dựng niềm tin vào bản thân trẻ em

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Aliza Pressman, niềm tin vào bản thân của trẻ em được hình thành từ nhiều yếu tố:

Thách thức đúng đắn theo lứa tuổi

Để trẻ phát triển lòng tự tin, việc đưa ra những thách thức phù hợp với khả năng của từng độ tuổi là cần thiết. Trẻ có thể mất tự tin nếu phải đối mặt với nhiệm vụ quá sức. Phụ huynh nên khích lệ bằng cách nhấn mạnh vào nỗ lực: "Con sẽ làm được nếu cố gắng hết sức mình".

Học hỏi qua quan sát

Trẻ cần có cơ hội quan sát và học hỏi từ những người khác, đặc biệt là những người mà trẻ có thể đồng cảm (cùng lứa tuổi, giới tính, sở thích). Thấy người khác thành công, trẻ sẽ cảm thấy rằng mình cũng có khả năng làm được. Điều này tạo ra niềm tin và động lực cho trẻ.

Trẻ cần có cơ hội quan sát và học hỏi từ những người khác

Nhớ lại những thành công trước đây

Khi trẻ được nhắc nhở về những thành tựu đã đạt được trước đây, chúng ít hoài nghi hơn vào khả năng của bản thân. Những người lạc quan và tin tưởng vào khả năng của mình thường nhớ về những thành công nhiều hơn thất bại.

Tạo môi trường bình yên

Cảm giác an toàn và bình yên giúp trẻ đối mặt với thử thách mà không lo âu hay căng thẳng. Phụ huynh có thể dạy trẻ các kỹ năng tự giúp mình lấy lại sự bình tĩnh như thực hành hít thở sâu, giúp trẻ giảm bớt căng thẳng và tập trung hơn vào nhiệm vụ phía trước.

Làm thế nào để khuyến khích trẻ tin tưởng vào bản thân

Để nuôi dưỡng lòng tự tin ở trẻ, phụ huynh có thể thực hiện những bước sau:

Khích lệ trải nghiệm mới

Hãy khuyến khích con bạn tiếp cận và thách thức bản thân với những điều mới mẻ mà chúng chưa thành thạo. Thay vì mong đợi sự hoàn hảo, hãy nhấn mạnh vào quá trình học hỏi: "Mỗi lần cố gắng, con sẽ ngày càng giỏi hơn."

Hãy khuyến khích con bạn tiếp cận và thách thức bản thân

Phản hồi tích cực và ràng

Khi trẻ mắc lỗi, tránh việc chỉ trích mà hãy giải thích cặn kẽ và kiểm tra lại bài học. Ví dụ, thay vì nói "sai rồi", hãy hướng dẫn trẻ nhận biết: "Quả táo này màu đỏ, khác với màu xanh của quả chanh." Điều này giúp trẻ hiểu rõ hơn và không phải sợ hãi khi mắc lỗi.

Lời khen cụ thể và chân thành

Khi trẻ làm tốt, hãy khen ngợi cụ thể và thể hiện sự chân thành. Bạn có thể nói: "Con đã làm rất tốt khi kiên trì không bỏ cuộc và tìm ra câu trả lời cho bài toán." Điều này không chỉ khích lệ hành động cụ thể mà còn giúp trẻ hiểu giá trị của sự kiên trì và nỗ lực.

Những bước trên sẽ giúp trẻ nhận thức được rằng thất bại là một phần của quá trình học hỏi, và không phải là một vấn đề lớn. Sự tin tưởng vào khả năng của bản thân và kiên trì sẽ dẫn lối đến thành công. Đây cũng là một bài học quan trọng mà phụ huynh nên dạy cho con mình.

Tác giả: Trần Thu Thủy