Bí quyết ăn quả vải không bị 'nóng trong người'

( PHUNUTODAY ) - Quả vải có tính nóng nếu ăn nhiều, dân gian gọi là "nóng trong người".

Ngày 3/6, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết từ xưa, vải là loại quả quý, chỉ có vua chúa quý tộc mới được ăn. Dương Quý Phi thời Đường Huyền Tông (Trung Quốc) quá yêu thích loại quả này nên đặt tên cho nó là "nụ cười thần thiếp". Trong sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, quả vải được ca ngợi là "mã ngoài như lụa hồng, tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như giáng tuyết".

Quả vải còn gọi lệ chi, là loại quả tròn nhỏ, vỏ sần, khi chín màu đỏ dâu, một hạt lớn màu nâu đen, thịt màu trắng, dày và mọng nước. Phần ăn được của quả vải là cùi trắng, ăn tươi rất ngọt. Khi sấy khô, cùi có vị rất ngọt và hơi chua. Quả vải có thể chế biến thành nước giải khát, kem, chè, nước rượu, thạch hoặc sấy khô.

Theo y học hiện đại, thịt quả vải có nhiều nước, glucose, protein, chất béo, vitamin C, cải thiện sức khỏe tổng thể. Thành phần chính của vải thiều là nước, carbohydrate, giữ cho cơ thể đủ nước và no trong mùa hè nóng bức. Ngoài ra chúng giàu chất xơ và ít calo, cải thiện tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân. Các loại nước thanh mát được chế biến từ quả vải cũng giúp cơ thể giải nhiệt vào mùa nóng.

Vải rất giàu vitamin C, đáp ứng nhu cầu vitamin hàng ngày của cơ thể khi ăn với một lượng vừa phải. Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh giúp ngăn ngừa nhiều bệnh mạn tính và tăng cường khả năng miễn dịch, đẹp da, tạo độ bóng cho tóc. Ngoài ra, vải còn chứa nhiều hợp chất chống oxy bao gồm cả epicatechin và rutin, giúp cơ thể chống lại stress oxy hóa, các bệnh mạn tính, đục thủy tinh thể, tiểu đường, bệnh tim và ung thư. Chất chống oxy hóa và vitamin C trong quả vải có lợi cho da, loại bỏ các vết thâm, ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa, tăng cường miễn dịch.

Trong Đông y, thịt quả vải vị ngọt, chua, tính bình hay ôn, tác dụng giải khát, chữa mụn nhọt, ăn nhiều tăng nhan sắc nếu mỗi ngày dùng 10-16 g. Tuy vậy vải cũng có tính nóng nếu ăn nhiều, dân gian gọi là "nóng trong người".

Người Quảng Đông Trung Quốc cho rằng "ăn một quả vải bằng giữ ba ngọn đuốc trong người" (nhất đạm lệ chi tam bả hỏa), muốn nói đến thuộc tính dương (nóng) của vải, ăn quá nhiều làm khô môi, có thể gây chảy máu cam ở một số người, cũng như gây mụn nhọt hay loét miệng. Do đó, ăn vải nên có liều lượng thích hợp, vừa đủ, không ăn quá nhiều cùng một lúc, dẫn đến sinh nhiệt, khô miệng, đau họng, buồn nôn.

Theo bác sĩ Vũ, người bình thường không ăn quá 5-10 quả một lần. Phụ nữ mang thai, trẻ em nên ăn 3-4 quả một lần. Phụ nữ mới sinh, đang cho con bú, chỉ nên ăn 100-200 g. Phụ nữ trước và trong kỳ hành kinh nên hạn chế ăn nhiều vải.

Người bệnh tiểu đường nên ăn ở mức độ vừa phải vì vải có hàm lượng đường cao.

Vải có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người. Một số người ăn bị ngộ độc với biểu hiện nôn nao, nổi mề đay, đau bụng dữ dội, bởi loại nấm độc Candida tropicalis thường thấy ở núm quả vải chín quá, dập nát, úng thối. Vì vậy không nên ăn quá nhiều, nhất là khi thấy chất lượng quả biến đổi khác thường.

Người bệnh thủy đậu, có đờm hay bị cảm cũng không nên ăn vải bởi sẽ làm bệnh tình thêm nặng hơn.

Quả vải tươi bảo quản trong tủ lạnh ngăn mát 5-10 ngày, cũng có thể được đông lạnh. Vải thiều sấy khô có thể lưu trữ đến một năm ở nhiệt độ phòng, hoặc đóng hộp dùng lâu dài.

Món ngon từ vải

Canh vải thiều mướp đắng

- Nguyên liệu: 10 quả vải thiều tươi; 1 quả mướp đắng; 2 cánh gà. Ngoài ra còn các gia vị khác như gừng, bột canh, bột ngọt, hạt tiêu, rượu gạo, nước tương… Nếu không dùng cánh gà, bạn có thể thay đổi khẩu vị bằng tôm khô, sườn non, thịt thăn, mọc...

- Cách làm: Cánh gà chặt thành miếng nhỏ ướp với gia vị, hạt tiêu, rượu và một thìa nước tương. Mướp đắng rửa sạch, bổ đôi theo chiều dọc. Lọc bỏ ruột và hạt rồi cắt thành từng miếng kích thước 5 x 5 cm. Vải thiều bóc vỏ lấy cùi, bỏ hạt.

Gà sau khi ướp gia vị chừng 20 phút, thêm khoảng 600 ml nước, cho lên bếp hầm với lửa nhỏ, mở vung. Thỉnh thoảng vớt bỏ bọt sủi trẳng nổi lên trên. Dùng khoảng 1 lạng gừng đập dập cho vào nồi hầm. Khi thấy gà đã mềm, lần lượt cho mướp đắng, vải thiều và hầm thêm chừng 2 - 3 phút nữa. Sau đó nêm gia vị cho vừa miệng.

Vải xào tôm

- Nguyên liệu: 10 quả vải; 10 con tôm, 1/2 quả ớt chuông đỏ/vàng hoặc xanh (hoặc cả ba loại cho màu), xì dầu; 5ml rượu trắng và 10ml bột đao hoặc bột sắn dây, hành lá.

- Cách làm: Vải bóc vỏ, bỏ hạt ngâm nước muối nhạt khoảng 10 phút, rồi vớt ra cho ráo nước. có thể xé nhỏ vừa ăn nếu muốn. Tôm luộc xơ, bóc vỏ, bỏ đầu rồi ướp với rượu trắng và xì dầu khoảng 10 phút. Ớt thái con chì hoặc hạt lựu tùy ý. Hành lá rửa sạch cắt khúc.

Cho dầu vào chảo đun sôi, cho ớt vào xào nhanh tay rồi cho tôm vào xào, nêm gia vị vừa ăn. Sau đó cho bột đao vào đảo đều. Cuối cùng cho vải vào đảo nhanh tay, không nên đun quá lâu sẽ khiến vải bị chín nhũn. Bắc ra rắc hành hoa cho đẹp mắt.

Cháo vải hạt sen

- Nguyên liệu: Vải khô 7 quả, hạt sen (bỏ tim sen) 5 quả, gạo 60g.

- Cách làm: Trước tiên vải khô lột bỏ vỏ ngoài, hạt sen rửa sạch, cùng gạo vào nồi nấu thành cháo. Món cháo công hiệu bồi bổ tiêu hóa cầm tiêu chảy.

Món cháo vải hạt sen này bồi bổ sức khỏe, chữa chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ. Đặc biệt thích hợp với người bị tiêu chảy do suy chức năng tiêu hóa lâu ngày; người cao tuổi, trẻ nhỏ.

Chè hạt sen vải thiều

- Nguyên liệu: Hạt sen khô: 200g hoặc có thể dùng hạt sen tươi bỏ tâm sen với lượng gấp đôi; vải thiều 400g; Rau câu dẻo: 1 gói 5g; sâm dứa. đường phèn, vani, sữa tươi có đường và đá bào.

- Cách làm: Hạt sen rửa sạch để ráo. Vải thiều bóc vỏ lấy cùi, bỏ hạt. Hòa tan gói rau câu dẻo với 250ml nước và 50g đường, đun sôi rồi cho sâm dứa, sữa tươi vào, khuấy tan đều. Khi hỗn hợp sôi lại thì tắt bếp, đổ rau câu vào khay, để nguội, cho vào ngăn đông tủ lạnh 30 phút rồi cắt rau câu thành từng miếng nhỏ vừa ăn chia đều vào các ly.

Đun sôi 1 lít nước dùng để nấu chè rồi cho hạt sen vào hầm chín mềm khoảng 20 phút với lửa vừa, vớt hết phần bọt bên trên để nước chè được trong hơn. Lưu ý khi hạt sen đã nhừ mới cho đường phèn vào vì nếu cho vào trước sẽ khiến hạt sen bị sượng.

Tiếp tục cho cùi vải, vani vào, vặn lửa nhỏ vừa, đảo nhẹ nồi chè nữa rồi tắt bếp để nguội. Đun lâu quá sẽ khiến cùi vải mất đi độ giòn ngon đặc trưng. Cuối cùng múc chè ra ly đã có sẵn rau câu sâm dứa và cho đá bào lên trên là cả nhà có thể thường thức món chè vải thiều bổ dưỡng, ngọt mát.

Sinh tố vải thiều

- Nguyên liệu: 20 quả vải thiều; 1/3 quả chanh tây hoặc chanh ta, 1 thìa đường (tăng/giảm tùy thích) và vài ba hạt muối.

- Cách làm: Vải bóc vỏ và tách bỏ hạt, lấy phần thịt quả sau đó rửa sạch. Cho vải vào máy ép lấy nước và trộn đều nước ép với vài ba hạt muối. Nếu có máy xay sinh tố, bạn đổ thịt vải vào máy xay rồi xay nhuyễn, lọc bỏ bã để lấy nước cốt vải. Thêm đường và vắt thêm chanh để tăng độ chua của thức uống. Chanh còn giúp cốc nước ép vải của bạn không bị thâm. Cuối cùng, bạn cho thêm vài viên đá và tận hưởng vị thơm ngon của thứ đồ uống mát lành.

Tác giả: Vũ Ngọc