Cơm tấm xuất hiện như thế nào?
Cơm tấm Sài Gòn từ xa xưa được coi là món ăn cứu đói của người lao động nghèo. Sở dĩ như vậy là vì hạt gạo tấm ít nở, giá thành lại rẻ nên có thể dùng trong bữa cơm hàng ngày để tiết kiệm chi phí.
Trước đây, món ăn này hầu như chỉ dành cho người công nhân, nông dân nghèo hay học sinh, sinh viên không có điều kiện kinh tế.
Nhưng đến bây giờ, cơm tấm lại trở thành đặc sản và được nhắc đến thường xuyên trên toàn quốc. Đặc biệt nó đã trở thành món ăn đặc trưng của Sài Gòn.
Trước đây, cơm tấm Sài Gòn được sử dụng như bữa ăn hàng ngày, dọn ra mâm với bát đũa đầy đủ các món chính, món phụ. Cũng trong thời kỳ đó, thành phố này luôn nhộn nhịp người nước ngoài từ nhiều nước trên thế giới.
Vì thế, người Sài Gòn cũng biến tấu cách bài trí món ăn này để bắt mắt hơn, phù hợp phục vụ cả người dân trong nước và người nước ngoài.
Từ đó, cơm tấm và các món ăn kèm được bày trên cùng một chiếc đĩa to và sử dụng thìa, dĩa khi ăn gần giống các món Tây.
Cho đến ngày nay, cách trang trí món ăn và cách thưởng thức này vẫn được lưu giữ và trở thành một điểm đặc trưng.
Các thành phần trong một đĩa cơm tấm
Một đĩa cơm tấm truyền thống gồm có: 1 phần cơm, 1 phần sườn nướng, 1 phần bì lợn, 1 phần chả trứng và nước chấm ăn kèm.
Cơm tấm
Loại tấm để nấu cơm chính là phần đầu của hạt gạo bị vỡ ra trong quá trình xát gạo. Đây chính là điểm đặc biệt làm nên sự khác biệt của cơm tấm so với các món cơm bình thường khác.
Theo cách truyền thống, cơm tấm ngon nhất khi sử dụng nồi đất hoặc nồi gang nấu trên củi lửa. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, để tiết kiệm thời gian, nhiều người thường áp dụng cách hấp cách thủy.
Trước khi nấu, gạo tấm sẽ được ngâm với nước vài giờ cho hạt gạo mềm rồi hấp cách thủy đến khi chín.
Hương thơm của cơm tấm chín chắc chắn sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.
Chả trứng
Chả trứng được làm từ hỗn hợp trứng, thịt, mộc nhĩ, nấm hương... và một số gia vị nêm nếm vừa đủ.
Chả thường được hấp cách thủy.
Sau khi làm chín, chả trứng thường được cắt thành miếng chữ nhật hoặc một góc hình tròn.
Bì lợn
Bì lợn được làm sạch, luộc sơ qua chín tới và thái sợi. Sau đó, trộn thêm vào bì một chút gia vị và đặc biệt phải thêm thính để bì thơm ngon hơn.
Sườn cốt lết nướng
Mỗi nơi sẽ có một bí quyết nướng sườn riêng và đây cũng là điểm đặc biệt nhất trong món cơm tấm Sài Gòn.
Người ta sẽ tẩm ướp sườn với gia vị chua ngọt rất khéo, nướng trên than hoa thơm phức. Nhiều quán ăn sẽ nướng sườn ngay trước quán cơm để thu hút thực khách.
Nước chấm
Mỗi đĩa cơm tấm đều được phục vụ cùng với bát nước chấm.
Một bát nước chấm gồm có nước mắm, chanh, tỏi, ớt, đường với tỉ lệ phù hợp để có vị chua ngọt, đậm đà vừa phải.
Điểm đặc biệt trong cách ăn của người Sài Gòn là tưới nước chấm lên đĩa cơm tấm và thưởng thức mà không chấm vào bát như bình thường.
Khi thưởng thức cơm tấm Sài Gòn, bạn sẽ cảm nhận được hạt cơm tấm dẻo thơm, vị chả trứng béo ngậy, sườn bì bùi thơm và không thể thiết vài lát dưa chuột giòn ngon, cà chua sống thái lát thanh mát. Tất cả hòa quyện tạo nên hương vị đậm đà đặc trưng khó lẫn với bất kỳ món cơm nào khác.
Tác giả: Dương Ngọc
-
Cách làm món bún sườn chua ngọt, đậm đà thơm ngon cho cả gia đình
-
Cách làm nước sốt kho thịt cá thơm ngon, dùng được lâu, tiện lợi
-
Cách làm sườn xào chua ngọt ngon mê mẩn
-
Hướng dẫn cách làm súp cua theo cách này rất đơn giản, siêu ngon, bổ dưỡng, chuẩn vị
-
Cách làm Thịt xiên nướng cực ngon chuẩn vị Hà Nội, đổi vị cho cả nhà