Bức tranh “Đức Phật đản sanh liền đi 7 bước” – Số 7 tượng trưng cho điều gì?

( PHUNUTODAY ) - Nếu bạn là người luôn hướng theo đạo Phật thì hãy tham khảo ngay bài viết này để hiểu rõ hơn về bức tranh " Đức Phật đản sanh liền đi 7 bước” .

Thái tử vừa đản sanh liền đi bảy bước trên bảy hoa sen “Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc”, mà không cần người nâng dắt. Có rất nhiều người thắc mắc sao chỉ là bảy bước mà không phải con số nào khác, điều này có nhiều bản Kinh viết, tuy có khác đôi chút, nhưng con số 7 vẫn là thuyết chung. Chúng ta tìm hiểu nghĩa lý sâu sa qua con số 7 huyền thoại này ẩn chứa những gì.

Lúc mới ra đời, Đức Phật đã đi 7 bước trên 7 đóa sen vàng.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Kể rằng ngay từ khi ra đời, đã có những điều khác thường, trong đó có việc vừa ra đời liền đi 7 bước, 7 đóa sen vàng nâng gót ngọc. Thái tử đi bảy bước là vì Ngài là vị Phật thứ bảy, tiếp nối sáu vị Phật đi trước là Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Tỳ Xá Phù, Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp và tới Ngài là Phật Thích Ca Mâu Ni.

Số 7 tượng trưng cho sự thành tựu sinh hóa cả vũ trụ không gian là đông,tây, nam, bắc; thời gian là quá khứ, hiện tại, vị lai. Ngay cả trong sự sống chết của con người như lập đàn Dược Sư Thất Bảo để cầu an, hay tổ chức thất thất trai tuần để cầu siêu. Vì thế con số 7 đã gắn liền ý nghĩa với sự hình thành và phát triển của nhân sinh và thế giới trong vũ trụ quan qua tầm nhìn Phật Giáo . 

Theo Kinh Hoa Nghiêm, toàn thể vũ trụ không ngoài con số 7: Trên, dưới, trong, ngoài, phải, trái và chính giữa (trung tâm). Từ vật nhỏ như vi trần đến vật lớn như núi Tu Di, tất cả đều không ngoài con số 7.

Tất cả các hình tượng Phật, Bồ Tát đều đứng trên hoa sen vì hoa sen có tính chất đặc thù mà các loài hoa khác không có: Mọc ở bùn mà không nhiễm bùn, hoa trái kết cùng một lượt, ong bướm không đến hút mật, các thiếu nữ không lấy cài tóc, hoa nở trước bình minh.
Hoa sen không những là một loài hoa tinh khiết (gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn), mà còn có một số phẩm chất như hương (thơm), tinh (sạch), nhu nhuyến (mềm mại) và đáng yêu. Đó cũng chính là hình ảnh đẹp của Đức Phật, sinh ra trong đời, lớn lên trong đời mà không nhiễm mùi đời, sống trong trần mà không nhiễm trước. Là biểu tượng cho tinh thần nhập thế của Phật giáo mà phương ngữ thường dùng là “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “cư trần bất nhiễm trần” như hoa sen mọc trong bùn mà vẫn nở hoa thơm.
Thái tử đứng vững trên đoá sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, nói rằng: “Trên trời, dưới trời chỉ có Ta là tôn quý.”

Như vậy, đối với sự ra đời của một bậc vĩ nhân bao giờ cũng có những yếu tố huyền sử mà ít nhiều là do con người xây dựng nên để tạo sự khác biệt với người thường, đồng thời cũng là để phù hợp với quan niệm của người phương Đông.

Cho nên, bên cạnh một đức Phật lịch sử, chúng ta còn có một đức Phật huyền thoại, một đức Phật truyền thuyết. Nhờ hình ảnh đức Phật huyền thoại nầy mà có niềm tin sâu xa trong lòng dân gian. (Tin và quy ngưỡng chứ không phải là mê tín). Điều nầy đã được khẳng định qua lời dạy của đức Phật mà những Phật tử chân chính đã vâng giữ tu trì.

Tuy nhiên, việc tìm hiểu nghĩa lý thâm sâu qua cuộc đời huyền thoại của đức Phật là rất cần thiết với những ai “bước đầu học Phật”. Cũng như, để thiết lập sự truyền thông với Phật, để xứng đáng là Thích tử Như Lai, chúng ta phải ứng dụng lời dạy của Phật vào trong đời sống hàng ngày. Vì rằng đạo Phật là đạo thể nghiệm. Không có sự tu tập chúng ta sẽ không có nguồn an lạc. Thế nên, ngoài việc học Phật chúng ta phải ý thức nỗ lực hành trì , thực tập chánh niệm tỉnh giác, để trong từng phút giây của cuộc sống, chúng ta luôn có một đức Phật đản sanh.

Tác giả: Hồ Thị Huyền Trang