Hà Nội đang trong cao điểm dịch sốt xuất huyết
Theo CDC Hà Nội, tuần qua từ ngày 9-16/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 760 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 38,9%) so với tuần trước và có 1 ca tử vong.
Thống kê cho thấy từ đầu năm đến ngày 16/9, Thủ đô ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 ca tử vong. Ngoài type virus gây bệnh lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, trên địa bàn Hà Nội vừa phát hiện thêm chủng virus Dengue 4.
Thêm 44 ổ dịch mới tại các quận, huyện, gồm: Đống Đa (7), Bắc Từ Liêm (6), Thanh Oai (6), Hà Đông (5), Hoàng Mai (4), Quốc Oai (3), Long Biên (3), Hai Bà Trưng (2), Thanh Trì (2), Tây Hồ (2), Thanh Xuân (1), Phú Xuyên (1), Gia Lâm (1), Hoài Đức (1) trong tuần qua.
Hiện còn 118 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, trong đó, 2 ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân là ổ dịch thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (có 55 bệnh nhân) và ổ dịch thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (có 56 bệnh nhân). Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.
Thực tế, CDC Hà Nội cho biết kết quả điều tra, giám sát trong những tuần gần đây, nhiều nơi ở Thủ đô có chỉ số BI cao 2-5 lần yếu tố nguy cơ bùng phát dịch.
Điển hình tại thị trấn Phùng (Đan Phượng) - nơi ghi nhận 1 ca tử vong vì sốt xuất huyết, chỉ số này là 45. Đây cũng là huyện có số ca sốt xuất huyết cao nhất thành phố trong tuần qua với 74 ca, cao hơn tổng số ca ghi nhận từ đầu năm đến đầu tháng 9.
Ngoài ra, một số nơi cũng ghi nhận chỉ số BI cao vượt ngưỡng như xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) là 46; phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) là 54; thậm chí, xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) là 100…
Có dấu hiệu này là bệnh sốt xuất huyết trở nặng, đi viện càng sớm càng tốt
Các chuyên gia dịch tễ cho biết virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng khác nhau, là: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Hà Nội đã phát hiện ra 3 chủng virus gây bệnh trên địa bàn thành phố trong năm 2022 là Dengue 1, Dengue 2 và Dengue 4.
Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, sau khi bệnh nhân nhiễm phải một trong các chủng virus sốt xuất huyết thì cơ thể đã có khả năng miễn dịch với chủng đó suốt đời. Tuy nhiên, họ vẫn có thể tái nhiễm sốt xuất huyết do chủng khác gây nên. Điều đáng lo ngại là lần nhiễm sau sẽ nặng hơn lần nhiễm trước đó.
Các dấu hiệu cảnh báo diễn biến nặng, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời:
- Vật vã kích thích hoặc li bì;
- Đau bụng vùng gan;
- Nôn nhiều;
- Tiểu ít;
- Đau đầu dữ dội;
- Các dấu hiệu xuất huyết bất kỳ: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất hiện kinh nguyệt bất thường, kéo dài, đi ngoài phân đen, tiểu máu…
"Không được lạm dụng các thuốc như Ibuprofen, Aspirin, Natri naproxen, Analgin... do các thuốc này có thể gây tác dụng phụ là biến chứng xuất huyết. Trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như: Đau bụng và nôn ói nhiều; không ăn uống được; đã giảm hoặc hết sốt nhưng vẫn còn cảm giác khó chịu; chân tay ẩm, lạnh; chảy máu mũi miệng, xuất huyết âm đạo… thì hãy khẩn trương đưa bệnh nhân nhập viện”, bác sĩ Vũ Thanh Tuấn khuyến cáo.
Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp.
Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Cách phòng bệnh tốt nhất là tích cực diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy và phòng tránh bị muỗi đốt.
Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.
Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh. Do đó, khi thấy người bệnh có những dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết cần đến các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được khám, theo dõi và điều trị. Tuyệt đối không được tự ý điều trị.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
2 giờ vàng uống nước lá tía tô mỗi ngày: Vừa thải mỡ thừa, giảm cân lại trẻ lâu sống thọ
-
3 ly "nước cứu mạng" nên uống mỗi ngày ai cũng cần biết
-
5 cách chăm sóc hiệu quả cho hàm răng bị ê buốt, khó chịu
-
Đau đầu kéo dài, nhiều ngày liên tục phải làm sao?
-
Mách bạn 4 cách chữa thoái hóa cột sống theo phương pháp dân gian, đem lại hiệu quả không ngờ