Các cụ nhắc nhở: 'Người sợ nổi danh, heo sợ béo', có nghĩa là gì?

( PHUNUTODAY ) - Một trong số những lời dạy của người xưa đó là: 'Người sợ nổi danh, heo sợ béo', ý nghĩa thực sự là gì.

“Người sợ nổi danh, heo sợ béo”

Phòng Quản, tên tự là Thứ Luật, người Hà Nam làm quan văn bộ Thượng thư vào triều nhà Đường, thời Hoàng đế Đường Huyền Tông Lý Long Cơ chạy sang nước Thục. Về sau ông được phong làm Đồng trung thư môn hạ bình chương sự (tương đương với chức quan Tể tướng).

Sau khi Đường Túc Tông Lý Hanh lên ngôi, Phòng Quản lại được tham dự và quyết định nhiều việc cơ mật quan trọng của triều đình. Phòng Quản là người có danh tiếng lớn nhưng lại không cẩn trọng, thường nói phóng đại, khoa trương.

Đến đầu những năm Chí Đức, Phòng Quản tự xin được dẫn quân đánh dẹp quân An Lộc Sơn nhưng toàn quân bị địch tiêu diệt sạch. Về sau, bởi vì thường nói những lời hư ngôn, giả dối nên ông bị giáng hạ xuống làm quan Thứ sử Bân Châu.

Khi bình luận về Phòng Quản, các nhà sử học chỉ ra rằng: Chính bởi vì Phòng Quản kiêu căng, tự cao tự đại, thích nói lời khoa trương, khoác lác nên không được mọi người kính trọng. Mặc dù Phòng Quản không giỏi về quân sự nhưng triều đình lại dùng ông vì tin vào những lời khoa trương ấy, cuối cùng bị bại trận, quân lính chết nhiều. Bản thân ông cũng bị giáng chức vì tính khoa trương, giả dối. Đây cũng được coi là bài học kinh nghiệm của Phòng Quản và người đời sau.

Kỳ thực, đối với một người mà nói, có thể học được cách đối nhân xử thế phù hợp là việc không hề dễ dàng, đối với người có tiếng tăm lại càng khó hơn.

Những người càng có danh tiếng thì càng khó kiểm soát được dục vọng (tham muốn) của bản thân. Hơn nữa, người ta càng đặt kỳ vọng vào họ cao hơn những người khác. Những việc mà họ làm nếu như không đạt được kết quả như mọi người mong đợi thì sẽ khiến người ta nảy sinh tâm oán hận.

Một khi họ phạm lỗi lầm thì người đời cũng khó tha thứ, thậm chí còn oán hận họ càng sâu hơn, trừng phạt nghiêm khắc hơn. Cho nên, tục ngữ có câu: “Người sợ nổi danh, heo sợ béo” là vậy. Cổ nhân dạy rằng, làm người phải luôn khiêm tốn, thận trọng, đừng vì cao ngạo, ham nổi danh mà gặp phải tai họa.

Đừng quá khoa trương bản thân

Trong “Đường thư” có viết: Sau khi Lưu Diên Hựu thi đỗ tiến sĩ được bổ nhiệm làm quan úy ở huyện Vị Nam. Ông rất có tài về xử lý công việc, nên trở thành nhân vật nổi danh ở trong huyện. Vậy nhưng danh tướng Lý Tích từng khuyên ông: “Ngài tuổi chưa cao lại có danh tiếng, hẳn là nên chú ý khiêm tốn, nên kiềm chế bản thân mình một chút, đừng quá khoa trương bản thân.”

Trong “Kim sử” lại ghi rằng:Nguyên Hảo Vấn, tự là Dụ Chi, 14 tuổi bắt đầu theo học thầy giỏi ở Lăng Châu. Dù có học vấn uyên bác nhưng ông không để tâm vào việc thi cử để ra làm quan. Sau 6 năm học tập, ông được coi là hoàn thành nghiệp học. Ông bắt đầu đi ngao du Thái Hành, vượt sông Hoàng Hà, sáng tác bài “Ki sơn cầm thai”. Lễ Bộ Triệu Bỉnh Văn từng nhận xét về Nguyên Hảo Vấn: “Văn nhân cận đại, không ai có thể sánh bằng ông.”

Từ đó về sau, thanh danh của Nguyên Hảo Vấn nổi danh, chấn động kinh thành, trở thành tác gia và sử gia lớn. Đây được coi là thành quả của việc ông vùi đầu khổ học suốt sáu năm, kiên nhẫn và khiêm tốn mà có được.

Từ bỏ danh tiếng, giữ gìn đức hạnh

Trong tác phẩm “Tống sử. Từ Trung Hành truyện” có ghi lại: Từ Trung Hành tên tự là Đức Thần, người Lâm Hải, là nhà giáo dục thời Tống.

Trong những năm Sùng Ninh Tống Huy Tông, quận thái thú Lý Ngạc bởi vì một lá thư tín mà đề cử Từ Trung Hành. Lúc ấy, việc triều chính đều do các gian thần, nịnh thần như Chương Đôn, Thái Biện… nắm quyền. Từ Trung Hành mỗi khi nhận được lệnh triều đình bổ nhiệm chức vị quan tước cho ông thì nước mắt lại rơi như mưa. Cuối cùng ông thiêu hủy hết thảy các tác phẩm của mình, đi vào trong núi ẩn cư.

Có người thấy ông làm như thế liền trách cứ: “Trốn tránh tiến cử vì muốn có danh tiếng là từng được mời làm quan.”

Từ Trung Hành nói: “Con người nếu không có thiện hạnh thì so với loài cầm thú cũng có khác gì đâu? Nếu ta bởi vì thư tín mà được tiến cử làm quan hơn nữa còn làm việc dưới tay của quan nịnh thần thì những người chưa được tiến cử sẽ nói ta không phải là người. Ta là muốn rời bỏ danh tiếng, chứ không phải là tham muốn có danh tiếng.”

Có tài cũng cần khiêm tốn

Trong tác phẩm “Thế thuyết ” có ghi: Thời trẻ, Hứa Tuân – nhà văn thời Đông Tấn thường được mọi người so sánh có tài ngang với Vương Tu – một tác gia, nhà thư pháp cùng thời.

Nhưng Vương Tu là người kiêu ngạo, tự mãn. Ông nghe thấy người khác so sánh mình với Hứa Tuân thì rất không bằng lòng, cho rằng Hứa Tuân không thể được so sánh ngang với mình.

Một lần, các danh sĩ trong triều đình đều tụ tập ở Tây Tự đàm đạo. Vương Tu cũng có mặt ở đó. Hứa Tuân cho rằng đây là cơ hội tốt để được đàm đạo cùng Vương Tu nên lập tức cũng đến Tây Tự tham dự hội. Trong lần ấy, Vương Tu nhiều lần bị Hứa Tuân “làm khó”. Bởi vậy, từ đó trở đi Vương Tu thực sự khâm phục Hứa Tuân và cũng thường chào hỏi ông khi hai người gặp mặt.

Khiêm tốn là bảo vật

Trong “Tấn thư . Trữ Đào truyện” có viết: Trữ Đào tên tự là Ngạn Tiên. Trương Hoa sau khi gặp Trữ Đào thì nói với Lục Cơ, người được đánh giá là tài giỏi bấy giờ, rằng: “Huynh đệ các ông là Long dược vân tân. Trữ Ngạn Tiên còn là Phụng minh triêu dương. Ta cứ tưởng rằng trân bảo ở Đông nam này đã tụ hội hết ở huynh đệ ông mà không còn nữa, không ngờ lại gặp Trữ Ngạn Tiên!” (Chú thích: “Long dược vân tân” là Rồng bay nhảy trên mây. Phụng minh triêu dương là Chim phượng kêu đón ánh mặt trời. Ý tứ của hai câu này đều là chỉ người có phẩm chất và tài năng hơn người.)

Lục Cơ nói: “Chỉ là ngài còn chưa gặp được những bảo vật ‘không minh, không dược’ mà thôi.” (Ý chỉ những người giỏi nhưng không thể hiện ra cho người khác biết.)

Trương Hoa lại nói: “Cho nên, ta mới biết được: Con người ta có đức thì sẽ không cô độc lẻ loi. Bảo vật trong núi sông sẽ không thiếu thốn.”

Tác giả: Thạch Thảo