Dưới trướng vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) có không ít tướng tài, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là cặp vợ chồng võ tướng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân.
Trần Quang Diệu (1746-1802) người làng Kim Giao, xã Liên Chiểu (nay thuộc xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) nhưng một số tài liệu lại cho rằng ông tên Trần Văn Đạt, là người ở làng An Hải (trước thuộc huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam nay thuộc quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Còn bà Bùi Thị Xuân (chưa rõ năm sinh-1802) quê ở làng Phú Xuân (xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định).
Trần Quang Diệu được coi là một trong "Tây Sơn Thất Hổ Tướng" tham gia phong trào Tây Sơn từ những ngày đầu, và cũng là một trong những tướng lãnh trung thành cuối cùng đã chiến đấu bảo vệ sự tồn tại của triều Tây Sơn. Theo sử liệu, Trần Quang Diệu là võ tướng quan trọng nhất của nhà Tây Sơn,
Ông phò tá Nguyễn Nhạc từ những ngày đầu cho đến khi xưng đế, sau đó là phò tá Nguyễn Huệ và cả người con trai kế vị Nguyễn Huệ là Nguyễn Quang Toản (vua Cảnh Thịnh, đăng cơ khi mới 10 tuổi).
Bùi Thị Xuân (chưa rõ năm sinh-1802) người làng Phú Xuân (xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định) là cháu của thái sư Bùi Đắc Tuyên. Theo sử sách, bà rất xinh đẹp, giỏi võ nghệ. Ngoài tài kiếm thuật, bà còn giỏi bắn cung, cưỡi ngựa và luyện voi.
Cùng với ý chí kiên cường và lòng dũng cảm bà đã lập được nhiều chiến công, trở thành nữ tướng kiệt xuất của nghĩa quân Tây Sơn với tư cách là người chỉ huy đội tượng binh - binh chủng đặc biệt và dũng mãnh này khiến quân Trịnh, Nguyễn và Mãn Thanh khiếp sợ.
Ngay từ khi chưa theo quân Tây Sơn bà đã tự phong là "Tây Sơn nữ tướng". Đến khi gặp Nguyễn Huệ, ông cũng thừa nhận bà rất xứng với danh xưng đó và còn ban tặng thêm bốn chữ "Cân quắc anh hùng" - bậc nữ lưu có khí phách.
Tương truyền, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân gặp gỡ rất tình cờ. Trên đường đến Tây Sơn tụ nghĩa ông Diệu đã đánh nhau với con hổ lớn, rất hung dữ. Nhân đi qua, bà Xuân rút kiếm xông vào cứu và đưa ông Diệu bị hổ vồ trọng thương về nhà chữa trị.
Sau hai người thành gia thất rồi cùng về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn, nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong cuộc chiến chống quân Xiêm, Mãn Thanh và những trận chiến quyết liệt với quân của Nguyễn Ánh trong suốt 10 năm trời.
Vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân lập được vô số chiến công cho nhà Tây Sơn nhưng đáng tiếc là vào năm 1802, trong một trận ác chiến ở Nghệ An, cả hai cùng người con gái 15 tuổi đã bị bắt trên dọc đường rút quân ra Bắc. Vì không chịu đi theo vua Gia Long nên cả nhà ba người sau đó đều bị xử tội chết.
Tác giả: Dương Ngọc
-
Vị vua nào ăn hàng, vay nợ khắp nơi có biệt danh là Chúa Chổm trong lịch sử Việt Nam?
-
4 vị vua nào trong lịch sử Việt Nam cùng đăng cơ vào đúng ngày Mùng 1 Tết?
-
Người Việt đầu tiên đỗ Trạng nguyên 2 hai nước và đứng đầu trong bia Tiến sĩ ở Văn Miếu là ai?
-
Trường đại học đầu tiên của Việt Nam có tên là gì?
-
Nhà giàu hay nghèo, chỉ cần nhìn vào 3 điểm này trong nhà bếp là biết ngay