Trường đại học đầu tiên của Việt Nam có tên là gì?

14:32, Thứ hai 22/01/2024

( PHUNUTODAY ) - Bạn có biết đâu là trường đại học đầu tiên của Việt Nam hay không? Hãy cùng tìm hiểu.

Quốc Tử Giám tức là trường đại học của cả nước, nơi chung đúc tinh hoa và trí tuệ của dân tộc qua các kỳ thi, tuy đó chỉ là một trong những hình thức tuyển lựa. Những tấm bia đá trong Văn Miếu đã lưu danh một phần những phần tử ưu tú của dân tộc. Đa số những ông tiến sĩ đó là những chính khách lỗi lạc, những nhà ngoại giao tài tình, những sứ thần uyên thâm, những văn sĩ thi sĩ nổi danh, những học giả... niềm tự hào của người Việt Nam.

van-mieu

Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 đời vua Lý Thánh Tông. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám nằm bên cạnh Văn Miếu. Thời gian đầu, trường là nơi chỉ dành cho con vua và các bậc đại thần theo học nên được gọi là Quốc Tử. Người theo học đầu tiên tại đây là hoàng tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan. Đến năm 1156, vua Lý Anh Tông cho tu sửa và chỉ thờ Khổng Tử.

van-mieu1

Năm 1253, vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc học viện, mở rộng và cho phép con các nhà thường dân có tài học xuất sắc được theo học. Vào đời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử làm Quốc Tử Giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và trực tiếp dạy các hoàng tử. Sau khi ông mất vào năm 1370, vua Trần Nghệ Tông cho thờ ông ở Văn Miếu cạnh nơi thờ Khổng Tử.

Suốt bốn thế kỷ (1010 - 1400) thời Lý - Trần, triều đình đã cho xây dựng biết bao công trình đồ sộ mang nhiều giá trị văn hoá. Tuy nhiên, các công trình này tàn lụi, theo thời gian chẳng còn lại là bao. Thăng Long thời Lý vẻn vẹn còn chùa Diên Hựu thu hẹp trong khung cảnh nhỏ với chùa Một Cột mọc giữa chiếc hồ vuông nhỏ thả sen. Tháp Báo Thiên cũng chẳng còn. Mảnh đất "nghìn năm văn vật" này "nếu không giữ lại được toà Văn Miếu thì niềm tự hào của dân tộc ta về bề dày văn hoá còn biết căn cứ vào chứng tích gì, hiện vật gì ngoài những điều tóm tắt khái quát trong mấy trang sách sử cũ" - trích Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của Nguyễn Văn Uẩn.

Học sinh đầu tiên của Quốc Tử Giám là ai?

Theo Việt sử thông giám cương mục, "Bính Thìn, năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhất tháng tư... lập nhà Quốc Tử Giám; tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học, bổ vào đó". Người đầu tiên học tập ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là thái tử Lý Càn Đức, tức vua Lý Nhân Tông sau này.

Bia tiến sĩ đầu tiên được dựng trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào thời gian nào?

Bia tiến sĩ đặt tại khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi, quê quán những người đỗ trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ triều Lê và Mạc. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến 1779.

van-mieu4

Tấm bia tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442. Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780 cho khoa thi tổ chức vào năm 1779. Đây là những pho “sử đá” thể hiện văn hóa giáo dục và là niềm tự hào về truyền thống hiếu học của Việt Nam.

Tấm bia tiến sĩ đầu tiên (khoa 1442) nêu rõ tầm quan trọng của việc đào tạo nhân tài và khuyến khích kẻ sĩ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”. Một số tấm bia về sau cũng nhắc lại ý "nhân tài là nguyên khí của quốc gia".

Các bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long được dựng trong thời gian gần 300 năm (từ năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15) đến năm 1780 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41), khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình từ năm 1442 (niên hiệu Đại Bảo thứ 3) đến năm 1779 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40).

Trong thời gian đó, có 124 khoa thi với 30 khoa thi không được dựng bia và 91 khoa thi được dựng bia nên số lượng bia đầy đủ ở đây phải là 91 tấm bia. Tuy nhiên, do biến thiên của lịch sử mà đến nay chỉ còn 82 tấm bia tiến sĩ, 9 tấm bia đã bị mất.

Theo Cục Di sản văn hóa, ngày 9/3/2010, trong phiên họp toàn thể thường niên lần thứ 4 của Ủy ban chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (tại Macau, Trung Quốc), 82 bia đá tiến sĩ triều Lê và Mạc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám được xét và ghi vào Danh mục Ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Đến ngày 25/5/2011, hệ thống bia tiến sĩ tại Văn Miếu chính thức được đưa vào danh sách Ký ức thế giới của UNESCO. Giá trị và nét độc đáo của 82 bia tiến sĩ là những bài văn (bài ký) bằng chữ Hán khắc trên bia chứa đựng nhiều thông tin lịch sử. Đây là hệ thống bia đề danh tiến sĩ duy nhất trên thế giới có bài ký (văn bia) không chỉ lưu danh tiến sĩ mà còn ghi lại triết lý của các triều đại về giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài.

Ngoài ý nghĩa văn hóa, giáo dục, mỗi tấm bia tiến sĩ còn chứa đựng thông tin về các khoa thi Hội, như tên các quan trông coi thi, chấm thi, ngày thi, ngày yết bảng xướng danh những người thi đỗ...Cho đến nay, phần lớn hoa văn và văn tự trên mỗi bia đá còn rõ, có thể đọc được.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm ở khu vực quận Đống Đa, Hà Nội, ngay giữa 4 phố chính gồm Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Du lịch đến với Hà Nội ngàn năm văn hiến thì đây chắc chắn là địa điểm mà bạn nên ghé thăm.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Thạch Thảo