Cậu bé bị THỦNG DẠ DÀY, biết nguyên nhân khiến nhiều bố mẹ phải giật mình xem lại cách chăm con của mình

( PHUNUTODAY ) - Căng thẳng do học hành thi cử chính là một trong những nguyên nhân, dẫn tới trẻ bị bệnh viêm loét dạ dày ngày càng nhiều

Nam sinh thủng dạ dày vì "cày" vào học

Đau bụng do viêm loét dạ dày không chỉ gặp ở người trưởng thành mà ngay cả trẻ em, học sinh các cấp giờ cũng đang dần phổ biến. Đặc biệt mùa thi cử, nhiều học sinh có tâm lý quá căng thẳng do áp lực điểm số, ăn uống không khoa học bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe: mệt mỏi, lo âu, giảm cân,...

Theo cảnh báo của các bác sĩ, mỗi năm khi thời điểm mùa thi tới gần cũng là lúc tình trạng đau, viêm dạ dày ở trẻ lại gia tăng. Trong số đó có những trẻ bị viêm loét nhẹ, nhưng cũng có trường hợp xuất huyết, thậm chí là thủng dạ dày.

Điển hình là trường hợp của cháu N.V.H. 16 tuổi (ở HN), phải nhập viện cấp cứu vì bị đau bụng dữ dội. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu các bác sĩ phát hiện nam sinh này bị thủng dạ dày. Qua khai thác tiền sử của nam sinh này thì được biết, do đang trong giai đoạn chuẩn bị thi vào cấp III nên việc ăn uống, sinh hoạt của cháu H. rất thất thường. Không chỉ có vậy, trong quá trình học tập H. cũng rất căng thẳng, mệt mỏi khi liên tục phải học thêm, ôn thi nhiều môn liên tục.

cậu bé 16 tuổi bị thủng dạ dày vì học hành căng thẳng

Theo lịch sinh hoạt hàng ngày, công việc của nam sinh này chỉ có ăn và học. Ngoài học chính khóa trên lớp, thì cháu H. còn học thêm 4 môn khác. Trước mấy ngày vào viện, cháu H. đã có biểu hiện đau âm ỉ vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua nhiều. Rất may là cháu đến sớm, nên được bác sĩ mổ nội soi, phát hiện lỗ thủng ở dạ dày.

Ép con học là tác nhân gây bệnh dạ dày

Ths.BS Nguyễn Đình Liên cho rằng, hiện nay những trường hợp như cháu H. không phải là hiếm gặp. “Trường hợp thủng dạ dày thì ít gặp hơn, tuy nhiên việc đau hoặc viêm loét dạ dày ở lứa tuổi học sinh thì ngày càng phổ biến và có xu thế xuất hiện càng nhiều ở trẻ nhỏ tuổi”, BS Liên cho hay.

Ngoài ra trạng thái lo âu, sức ép học tập lớn cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị đau dạ dày. Việc phụ huynh thúc ép trẻ học hành tạo cảm giác căng thẳng, học không vào đầu đối với trẻ, khiến trẻ luôn rơi vào trạng thái lo lắng thái quá dễ dàng dẫn tới những cơn đau bụng tăng dần lên, một biểu hiện ban đầu của bệnh dạ dày. Đặc biệt, khi có vấn đề dạ dày nếu không được điều trị sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày…

Thói quen ép con học hành nhiều làm trẻ bị đau dạ dày

Khuyến khích cho trẻ vận động, tham gia thể dục thể thao và các trò chơi giải trí lành mạnh để bớt tâm lý căn thẳng, lo âu, qua đó cũng nâng cao thể lực và kết quả học tập mà các bậc phụ huynh mong muốn

Bắt trẻ học bao nhiêu là đủ?

Như đã nói ở trên, không có công thức chung cho mọi trẻ nhưng khái niệm "học đủ" vẫn có thể áp dụng cho từng trẻ khi thời gian, khối lượng kiến thức trẻ học được là vừa sức, trẻ không có bất cứ dấu hiệu căng thẳng nào.

Hiệp hội Giáo viên- Phụ huynh của Mỹ nghiên cứu và cho rằng trẻ lớp 1 chỉ nên làm bài tập về nhà mỗi ngày 10 phút, cứ thêm một lớp thì tăng thêm 10 phút, trẻ lớp 12 học ở nhà nhiều nhất là 120 phút. Đây là con số được đề xuất nhưng thực tế vẫn có trẻ ham thích lẫn có khả năng học lâu hơn. 

Học đủ còn bao hàm học trong sự yêu thích. Khi yêu thích điều gì, con người có thể duy trì sự tập trung chú ý và việc đó lâu hơn nhưng lại ít thấy căng thẳng, mệt mỏi. Trẻ cũng vậy, vì thế, cha mẹ cần tìm hiểu sở thích của con hoặc cho con thử tham gia nhiều hoạt động, trao cho con kiến thức, kỹ năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau để con khám phá được sở thích của chính con. 

Tác giả: Min Min