Chỉ cần 3 nguyên liệu đơn giản là có thể làm giấm táo tại nhà, vừa ngon vừa tiết kiệm

( PHUNUTODAY ) - Giấm táo không chỉ là loại gia vị thơm ngon sử dụng được cho nhiều món ăn mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bạn có thể tự làm giấm táo tại nhà chỉ với những nguyên liệu vô cùng đơn giản.

Lợi ích của giấm táo đối với sức khỏe

Giấm táo chứa nhiều amino axit, các loại enzyme có tác dụng tốt đối với hệ tiêu hóa. Ngoài ra, loại giấm này còn chứa pectin có tác dụng hạ thấp cholesterol LDL trong máu đồng thời đẩy nhanh quá trình đốt cháy chất béo, hỗ trợ giảm cân.

Giấm táo có chứa axit malic có tác dụng kháng khuẩn. Ngoài ra, loại giấm này còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất khác có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch.

Giấm táo còn có axit acetic tóc tác dụng giảm thèm ăn, tăng cường quá trình trao đổi chất, giúp kiểm soát cân nặng.

Bạn có thể sử dụng giấm táo pha loãng với nước để uống vào mỗi buổi sáng giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ giảm cân. Giấm táo có thể sử dụng để trộn salad, pha các loại sốt chấm, ướt thịt hoặc pha với nước để rửa rau củ cũng rất tốt.

Giấm táo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Mẹo làm giấm táo tại nhà

Bạn hoàn toàn có thể làm giấm táo tại nhà chỉ với những nguyên liệu đơn giản. Giấm táo làm tại nhà được lên men hoàn toàn tự nhiên, đảm bảo không pha thêm các chất phụ gia, giữ nguyên vẹn các dưỡng chất tốt cho cơ thể.

Để làm giấm táo tại nhà, bạn sẽ cần chuẩn bị táo tươi, một ít đường và nước lọc. Mỗi giống táo có hương vị khác nhau, độ ngọt khác nhau nên sẽ cho ra thành phẩm giấm táo có hương vị khác nhau. Chẳng hạn như giống táo Gala hoặc Golden Delicious có vị ngọt thì thành phẩm giấm cũng sẽ có vị ngọt tự nhiên. Nếu làm giấm từ các loại táo có vị chua hơn như táo MacInTosh hoặc táo Liberty thì thành phẩm giấm sẽ có vị chua chát nhẹ. Vì vậy, tùy theo sở thích, bạn có thể lựa chọn giống táo mà mình muốn sử dụng.

Mỗi loại táo sẽ cho ra một hương vị giấm có phần khác biệt. Khi làm giấm táo tại nhà, bạn có thể lựa giống táo mà mình thích tùy theo khẩu vị.

Tỉ lệ nguyên liệu tham khảo: 3 quả táo, 30 gram đường (có thể sử dụng đường trắng, đường phèn hoặc đường nâu đều được), 1 lít nước đun sôi để nguội. Ngoài ra, bạn sẽ cần chuẩn bị hũ thủy tinh để lên men giấm táo. Hũ này cần được trụng qua nước sôi để diệt khuẩn và để khô ráo trước khi sử dụng. Các dụng cụ khác trong quá trình làm giấm táo cũng cần được diệt khuẩn sạch sẽ, để khô ráo. 

Táo mua về sẽ được rửa sạch. Ngâm táo trong nước muối hoặc các loại dung dịch rửa rau quả khoảng 15 phút cho sạch bụi bẩn, tạp chất trước khi sử dụng. Bạn cũng có thể sử dụng muối hạt hoặc baking soda chà trực tiếp một cách nhẹ nhàng lên bên ngoài quả táo. Cách này sẽ giúp loại bỏ các chất bẩn bám trên vỏ. Phải rửa táo thật kỹ trước khi đem ủ giấm vì chúng ta sẽ sử dụng cả phần vỏ để tăng hương vị của giấm cũng như giữ được nhiều dưỡng chất cho giấm. Vỏ táo có màu đỏ hồng cũng sẽ tạo ra giấm có màu sắc đẹp mắt hơn. Nếu không yên tâm về dư lượng thuốc trừ sâu, bạn cũng có thể gọt bỏ lớp vỏ táo rồi mới đem ủ giấm.

Táo sau khi ngâm sẽ đem rửa lại bằng nước sạch và để cho ráo nước hoặc dùng khăn sạch thấm khô.

Cắt táo thành miếng vuông nhỏ khoảng 1cm. Cắt càng nhỏ thì quá trình lên men táo càng diễn ra nhanh hơn. Nhớ loại bỏ phần hạt táo rồi mới đem ngâm.

Khi làm giấm táo, bạn cần phải cắt táo thành miếng nhỏ.

Xếp một lượt táo vào hũ thủy tinh rồi rải một lớp đường mỏng lên trên. Cứ một lớp táo lại rắc một lớp đường. Sau đó, đổ nước sạch ngập hết toàn bộ số táo. Táo cần được để ngập nước để không bị thâm và hỏng trong quá trình lên men. Bạn có thể đặt một chiếc bát/đĩa thủy tinh sạch, nặng lên trên để đè cho phần táo chìm dưới nước.

Sử dụng một miếng vải mỏng để bịt kín miệng hũ. Khí sinh ra trong quá trình lên men sẽ được thoát qua vải, lớp vải giúp ngăn bụi bẩn và côn trùng rơi vào hũ.

Khi đã cho táo, đường và nước lọc vào hũ, bạn hãy dùng khăn vải mỏng hoặc khăn giấy để đậy kín miếng hũ, chờ cho giấm táo lên men.

Đặt hũ giấm táo ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Cứ 2-3 ngày, hãy mở hũ giấm ra, dùng đũa sạch khuấy đề. Nếu trên bề mặt hũ giấm có váng trắng thì vớt bỏ hết phần vàng này rồi mới dùng đũa khuấy giấm.

Sau khoảng 2 tuần, bạn sẽ thấy phần táo chìm xuống dưới đáy hũ. Lúc này, hũ ngâm sẽ có mùi giống rượu và có nhiều bong bóng khí xuất hiện trên bề mặt. Đây là hiện tượng bình thường.

Khi thấy hỗn hợp có mùi rượu nồng và rõ thì đem đi lọc qua rây để loại bỏ phần xác táo.

Đổ phần nước vào trong hũ thủy tinh sạch và tiếp tục ủ cho lên men. Giai đoạn này, bạn không cần phải khuấy giấm nữa mà chỉ cần kiểm tra xem giấm đã đạt độ chua như ý muốn chưa. Nếu giấm đã có độ chua như mong muốn thì có thể đem ra để sử dụng. Nếu chưa thì để giấm tiếp tục lên men.

Nếu thấy trong hũ giấm có một lớp màng mỏng, trong và dai giống như thạch thì đó là con giấm. Con giấm là tập hợp của các vi khuẩn lên men. Có thể để nguyên con giấm trong hũ giấm để thúc đẩy quá trình lên men của giấm hoặc vớt con giấm ra để vào hũ riêng (nhớ đổ một lượng giấm đủ để ngập con giấm). Sử dụng con giấm này cho các mẻ giấm tiếp theo để đẩy nhanh quá trình lên men, giúp bạn nhanh chóng thu được sản phẩm.

Tác giả: Thanh Huyền