Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dựa trên lộ trình dừng mạng 2G, các nhà mạng sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn 2G.
Công nghệ 2G, 3G đều là công nghệ cũ nhưng 2G là công nghệ cũ hơn. Hầu hết các thiết bị mạng 2G của các doanh nghiệp di động đều đã hết khấu hao và đa số là các thiết bị lỗi thời, tiêu hao năng lượng lớn, hiệu hiệu suất sử dụng tần số không cao. Bên cạnh đó, một số thiết bị không còn nguồn cung ứng để thay thế, sửa chữa. Việc dừng cung cấp dịch vụ 2G là phù hợp xu thế, cũng được đồng thuận và thể hiện tại thông tư quy hoạch băng tần 900 MHz.
Không chỉ dừng ở việc tắt sóng 2G, hiện nay, đã có doanh nghiệp lên kế hoạch dừng công nghệ 3G.
Việc dừng công nghệ được tiến hành theo lộ trình, thực hiện theo 2 pha như sau:
- Pha 1: dừng phục vụ thuê bao sử dụng máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G (2G only) từ tháng 9/2024.
- Pha 2: Dừng hệ thống 2G từ tháng 9/2026.
Việc tắt sóng 2G mang lại nhiều lợi ích. Đối với người dân, đây là thời điểm chuyển sang sử dụng dịch vụ băng thông rộng 4G, 5G chất lượng cao hơn. Điều này cũng góp phần hoàn thành mục tiêu "mỗi người dân một máy điện thoại thông minh", phổ cập điện thoại thông minh đến tất cả người dân Việt Nam. Khi chuyển từ điện thoại 2G lên máy 4G trở lên, bên cạnh các dịch vụ truyền thống như cuộc gọi thoại, tin nhắn, cuộc gọi hình ảnh, người dân còn được tiếp cận với nhiều dịch vụ tiện ích khác trên nền tảng internet, trong đó có cả các dịch vụ hành chính công, dịch vụ số.
Đối với doanh nghiệp, đây là thời điểm loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giúp giảm bớt chi phí, tập trung kinh phí đầu tư phát triển công nghệ mới. Ngoài ra, việc loại bỏ 2G cũng giúp doanh nghiệp và xã hội đi theo hướng phát triển xanh.
Việc tắt sóng 2G sẽ giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ để chuyển sang công nghệ mới, hiệu quả hơn đồng thời thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số.
Tuy nhiên, các nhà mạng sẽ chỉ dừng cung cấp dịch vụ 2G cho các thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G-only). Các thiết bị đầu cuối thuê bao kết nối vào mạng GSM cho mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa thiết bị với thiết bị (M2M) hoặc cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK vẫn sẽ hoạt động bình thường.
Số thuê bao 2G-Only còn hơn 11 triệu thuê bao (theo thống kê từ Cục Viễn thông tính đến tháng 5/2024). Con số này chiếm khoảng 9% tổng số thuê bao di động trên toàn quốc.
Theo lộ trình tắt sóng 2G, đến tháng 9/2024, các doanh nghiệp viễn thông dự kiến số lượng thuê bao 2G sẽ giảm về 0 hoặc chiếm dưới 5% trên tổng số thuê bao di động của doanh nghiệp.
Khi tắt sóng 2G, người dân sẽ được hỗ trợ từ phía nhà mạng, các đơn vị phân phối thiết bị đầu cuối trong việc chuyển đổi từ thiết bị 2G sang thiết bị sử dụng công nghệ cao hơn.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Trên ruộng hoa nở, dưới ruộng cá bơi: Mô hình kết hợp nuôi trồng độc đáo giúp nông dân đổi đời
-
12 đối tượng được mua nhà ở xã hội trong năm 2025, đó là ai?
-
Con cái có được cầm sổ đỏ của bố mẹ đi vay tiền ngân hàng không?
-
2 cách tra cứu số điện thoại vừa gọi tới cho bạn có phải lừa đảo không?
-
Kể từ 1/8: 6 trường hợp sẽ bị thu hồi Sổ đỏ, ai cũng nên biết sớm