Có 3 việc càng lười làm càng tạo phúc, tưởng đơn giản mà không phải ai cũng làm được

( PHUNUTODAY ) - "Lười" đôi khi lại là một kiểu thái độ sống tích cực, nên được khuyến khích để xã hội thêm phần tốt đẹp.

“Lười” không phải là không tham gia lao động, học tập, không phải là bất cần, chẳng thiết gì nữa, mà là một loại thái độ tự tại trong cuộc sống. "Lười’ cũng là một loại trí tuệ, một dạng xem nhẹ, cũng là thể hiện của sự tu dưỡng.

1. Lười động miệng – ít bàn tán, đơm đặt chuyện thị phi

Trong 3 việc càng lười làm càng tạo phúc, lười động miệng - ít bàn tán, đơm đặt chuyện thị phi là cái lười đầu tiên nên được khuyến khích thực hiện.

Mỗi người đều có hai đôi mắt để nhìn, hai cái tai để nghe nhưng chỉ có một cái miệng. Vì thế, chỉ nên nói những gì thực sự nên nói, nói đúng lúc và đúng chỗ.

Ảnh minh họa

“Họa từ miệng mà ra”, có rất nhiều mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống hằng ngày đều bắt nguồn từ việc rảnh rỗi ngồi bàn chuyện thiên hạ.

Để tăng cường phúc báo, mỗi người nên thường xuyên nhắc nhở bản thân không nên lấy chuyện của người khác ra bàn tán thị phi. Hãy cứ lo cho yên ổn chuyện gia đình nhà mình đi đã rồi hãy lo chuyện thiên hạ.

Trong các mối quan hệ xã giao, trong việc giao tiếp hàng ngày, chúng ta cũng cần chú ý đến cách nói, chừng mực, điều gì nên nói điều gì không nên, đừng nói xấu sau lưng người khác, như thể chỉ khiến bản thân tạo khẩu nghiệp, châm ngòi cho mâu thuẫn, xung đột.

Học nói lời cảm ơn, tăng đại phúc đại khí, ông bà ta có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” cũng là vì lẽ đó.

Thêm một người bạn là bớt đi một kẻ thù. Chính vì thế, bớt bàn tán thị phi, chúng ta sẽ tránh xa được hận thù, gây dựng được mối quan hệ hòa hảo với những người xung quanh.

Khi những người thù ghét mình ít đi, bạn bè sẽ nhiều lên, gặp việc khó khăn sẽ được mọi người chung tay giúp đỡ, đó là nguồn gốc của phúc khí, cần phải nhân rộng hằng ngày.

2. Lười động thủ - bớt ra lệnh và chỉ huy

Ai cũng có những nét cá tính riêng biệt, tạo nên một thế giới đa sắc màu, nên không thể ép buộc hay ra lệnh cho người khác làm những điều mà họ không thích. Người thích chỉ đạo, điều khiển người khác dễ khiến mọi người sinh xa lánh, ít ai tâm phục, khẩu phục.

Mỗi người sống trên đời, hãy làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình, không phải việc của mình không nên xen vào. Sự can dự thái quá của bạn đôi khi sẽ gây họa cho người khác hơn là giúp cho họ.

Ảnh minh họa

Chúng ta sống cuộc sống của chính mình, chẳng ai có thể quyết định thay được, vì thế, cuộc sống của người khác, chúng ta cũng nên để họ tự quyết định, dù họ có là người thân hay bạn bè tốt của ta.

Chỉ đạo tốt có thể chúng ta sẽ ghi điểm, lập công, nhưng một khi có sai xót, xảy ra nhầm lẫn, người đầu tiên bị trách chính là bạn.

Trong gia đình, không nên chỉ tay sai khiến, áp đặt bạn đời hay con cái, hãy để cho nhau có một chút không gian riêng, cuộc sống gia đình sẽ hài hòa êm ấm. Việc gì cũng muốn nhúng tay vào, việc gì cũng hỏi, bạn tự nhiên sẽ bị ghét.

Giữ một khoảng cách vừa phải tự nhiên mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp, mối quan hệ cũng sẽ trở nên tốt đẹp. Mỗi người là một cá thể độc lập, chỉ có giữ một khoảng cách nhất định, chúng ta mới tránh được sự va chạm và không bị đau.

Làm người, lười một chút, bớt tính toán, bớt bàn tán, bớt chỉ huy, đó là những thói quen sống tích cực, là một dạng trí tuệ, cho thấy sự khôn ngoan và là cách tích phúc khí cho chính mình.

3. Lười động não – ít toan tính thiệt hơn

Phiền não mà mỗi người phải đối mặt hàng ngày phần lớn được tạo ra từ nhân tâm mỗi người. Tâm hẹp đi, phiền não tự nhiên sẽ nhiều; tâm rộng ra, phiền não tự nhiên sẽ tan biến. Cuộc đời nở hoa hay bế tắc là do chính chúng ta tự quyết định chứ không phải ai khác.

“Lười động não” không phải là không có đầu óc, không có tầm nhìn mà chỉ dành sự quan tâm cho những điều cần thiết, cốt lõi nhất, còn những thứ vụn vặt không nên giữ lại cho “nặng đầu”. Có như thế, tâm trạng mới nhẹ nhõm, thoải mái và dễ chịu.

Ảnh minh họa

Hãy luôn nhớ rằng, trong cuộc đời, dù gặp phải bất cứ khó khăn nào cũng hãy đối mặt với một thái độ bình thản và lạc quan nhất. Đó mới là cách cư xử của người khôn ngoan. Cứ so đo, tính toán lợi ích thiệt hơn, chỉ có bản thân bạn là người thua thiệt.

Người lạc quan phóng khoáng như vậy là người có phúc khí nhất, khổ nạn nào cũng sẽ vượt qua, mọi thách thức trong cuộc sống chỉ khiến họ trở nên kiên cường hơn mà thôi.

Tựu chung lại, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nên duy trì thái độ sống lạc quan, tích cực và cố gắng làm nhiều việc thiện để tích đức về sau. Hãy cứ gieo những hạt mầm yêu thương, bạn sẽ nhận được trái ngọt hạnh phúc.

Tác giả: Dương Ngọc