Hãy để Tết là những phút giây hân hoan bên gia đình, là những khoảng bình yên mỗi năm bạn tìm về… vì biết đâu bạn lại có những trải nghiệm cùng kỷ niệm đáng nhớ hơn trong dịp Tết này thì sao?
1. Chạy deadline
Cuối năm thường là mùa cao điểm, không khí hối hả, bận rộn được thể hiện rõ nhất, đặc biệt là với cánh văn phòng. Công việc thì chất thành núi, các phòng ban quay cuồng cùng hàng tá deadline, chạy doanh số cuối năm, hàng loạt báo cáo tổng kết cần gửi sếp… Vì lẽ đó, khâu chuẩn bị cho kỳ nghỉ tết lại thành ra làm bạn hao tốn thêm khá nhiều sức lực.
Ảnh minh họa
Hơn nữa, càng gần đến Tết, không ít bạn trẻ càng phải dốc cạn hết “mồ hôi, nước mắt”, đẩy hiệu suất lên cao, tăng ca đến tận 9-10 giờ tối. Nhiều khi tan làm mà trong đầu vẫn còn vướng bận nhiều điều nghĩ suy.
Để “vững” tinh thần trước kỳ nghỉ cũng như hoàn thành công việc một cách tốt nhất, điều bạn cần làm đó là hãy luôn xác định mức độ quan trọng của các đầu việc. Bạn cần lập danh sách cụ thể, việc nào quan trọng ưu tiên để ở đầu, theo sau là các việc nhỏ ít quan trọng hơn và tiến hành xử lí từng việc một.
Đồng thời, bạn cần kiểm soát tâm trí và năng lượng, “lúc nào việc đó” trong giờ làm việc, tránh xao lãng, đang làm chuyện nọ lại xọ chuyện kia. Chạy “deadline” cận Tết là điều ít ai muốn nhưng nếu trong hoàn cảnh đó, bạn nên bình tĩnh xử lí công việc một cách hợp lý, khoa học.
2. Chi tiêu ngày Tết
Mỗi dịp Tết đến cũng đồng nghĩa với một loạt các khoản phải chi tiêu như mua sắm quà biếu Tết cho hai bên gia đình nội, ngoại; quà gửi cho bố mẹ; quần áo Tết, thậm chí vật dụng trang hoàng nhà cửa, vé xe về quê,… cũng được dịp mà tăng giá. Có lẽ vì thế, nên nhiều người trẻ, đặc biệt những bạn vừa ra trường cảm thấy e ngại, trong lòng không thoải mái. Tiền chẳng có bao nhiêu mà chi thì nhiều, thành ra chán tết.
Ảnh minh họa
Tuy vậy, bạn cũng không thể ngó lơ trong việc góp chút niềm vui tết với bố mẹ. Theo đó, với những món đồ cần mua, hãy cùng người thân lên danh sách để mua sắm dần, tránh dồn gần sát Tết mới bắt đầu mua. Việc chia nhỏ chi tiêu cũng sẽ tạo cơ hội cho bạn cân nhắc, chọn những đồ cần thiết và với mức giá hợp lý hơn. Có thể bạn sống tối giản, nhưng gia đình bạn thì lại không. Người lớn luôn muốn chu toàn mọi thứ để có một cái tết đủ đầy, sung túc.
3. “Cuộc chiến” dọn dẹp
Đã đi làm bận rộn nhưng bạn vẫn là “nhân lực” chính trong gia đình khi cần dọn dẹp cuối năm, nào là bàn ghế gỗ chạm trổ phức tạp không thể lau qua loa, bếp dính dầu mỡ cọ vài lần vẫn thấy nhờn,… Ngần ấy cái sự dọn dẹp thôi cũng khiến bạn trẻ phát “sốt” ngay từ trong tiềm thức khi nhắc đến Tết!
Ảnh minh họa
Cũng như công việc, giải pháp ngăn chặn nỗi sợ này không gì khác ngoài sống ngăn nắp suốt 365 ngày hoặc lên kế hoạch để dọn dẹp phòng khách - bếp - ngủ theo thứ tự quan trọng, để dọn nhà Tết không còn là nỗi ác mộng.
Bên cạnh đó, nếu bạn quá bận rộn với công việc mà sát Tết rồi nhà vẫn chưa dọn xong, bạn cũng có thể thẳng thắn trình bày với gia đình, chủ động chia việc cho từng thành viên, mỗi người giúp nhau một tay để cùng quét dọn nhà cửa. Như vậy thời gian dọn dẹp sẽ được rút ngắn, gia đình càng có thêm thời gian để gắn kết với nhau.
4. Chúc Tết sếp và đồng nghiệp
Chắc chắn, người trẻ mới đi làm hay đã đi làm nào cũng sẽ có những dòng suy nghĩ như: “Có nên tặng quà Tết cho sếp, đồng nghiệp không? Tặng quà vừa phải hay đắt tiền? Chỉ nên tặng cho đồng nghiệp thân hay tặng luôn cho cả nhóm?...”
Song, câu trả lời đơn giản nhất vẫn là hãy làm theo những điều bạn cảm thấy nên làm. Bạn muốn thể hiện tình cảm với những người đồng nghiệp chơi thân, hãy cứ thể hiện một cách chân thành nhất. Bạn muốn mua một món quà giá trị để cảm ơn người quản lý đã hướng dẫn mình suốt một năm qua, hãy cứ làm như vậy.
Đừng quá đặt nặng vấn đề quà cáp, bởi khi bạn thấy việc biếu tặng là điều cần thiết dành cho những người đã giúp đỡ bạn trong công việc, hãy cứ làm và hoan hỉ trao đi những cảm xúc tích cực đó. Bạn có thể lựa chọn một món quà mang tính kỷ niệm hoặc đơn giản là một món đặc sản từ địa phương mà mọi người có thể thưởng thức trong Tết. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cân nhắc tới giá trị món quà, tặng sao cho khéo để người nhận không có gánh nặng phải “đáp lễ".
5. Về quê ăn Tết
Về quê ngày Tết cũng là một điều ám ảnh những người sống và làm việc tại thành phố. Không chỉ vất vả trong khâu dọn dẹp, chuẩn bị hành lý, mỗi cuộc "di cư" cũng chẳng khác cực hình.
Ảnh minh họa
Bởi đường xá những ngày này chật như nêm, bến tàu xe thì đông như trẩy hội. Chưa kể, về quê còn đồng nghĩa với việc quà cáp, lì xì cho người già, trẻ nhỏ ở quê, là phân xử ngày ăn Tết sao cho công bằng bên ngoại, bên nội.
Với những nhà có con nhỏ, việc về quê ngày Tết còn đi cùng với nỗi lo em bé lạ chỗ, lạ nhà, bị thay đổi nếp sinh hoạt ăn ngủ hoặc được quá nhiều người chú ý, "vần" đến mệt lử.
6. Hàng loạt câu hỏi không hồi kết
Tết đến Xuân về, bạn thường phải đối mặt với vạn ngàn câu “hỏi thăm” từ họ hàng , câu nào cũng khó đủ đường, nào là “Lương tháng bao nhiêu?”, “Thưởng tết được bao nhiêu?”…
Ảnh minh họa
Chưa dừng lại ở đó, dưới áp lực cơm áo gạo tiền, nhiều bạn trẻ ngày nay còn có xu hướng kết hôn muộn. Điều này dẫn đến thêm một loạt các câu hỏi khó trả lời khác như: “Có người yêu chưa?”, “Sao không thấy dẫn ai về nhà?”, “Bao giờ lấy chồng/vợ?”…
Và cứ thế, năm này qua năm nọ phải lần lượt đối mặt với những lời thăm hỏi khó xử như vậy, cũng không khó hiểu nếu bạn cảm thấy ngột ngạt và tìm mọi cách trốn tránh. Song, việc chọn lựa tránh né hay cứ gồng mình chịu đựng sẽ không thể nào khiến bạn cảm thấy dễ chịu và hạnh phúc trong chính ngôi nhà của mình.
Chính vì thế, hãy luôn giữ thế chủ động của mình bằng cách nhanh miệng hỏi thăm sức khoẻ bà con họ hàng, hàng xóm trước tiên. Bạn cũng có thể chọn cách trả lời thật khéo léo, hài hước, biến những câu hỏi bạn cảm thấy nặng nề trở nên nhẹ nhàng hơn.